Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 9/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo

Trước đó, vào chiều 30/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm - Ảnh 1.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết,

Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13, giữ nguyên 2 điều, sửa đổi, bổ sung 16 điều và bổ sung 4 điều mới; có 7 phụ lục, trong đó bổ sung 2 phụ lục mới.

Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này đã bổ sung về thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và bổ sung quy định về thời gian là chậm nhất 45 ngày để gửi văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi Báo cáo và Bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân.

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, theo dự thảo Nghị quyết, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết.

Về phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND (Điều 2), Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND; bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 6 tháng liên tục trở lên để bảo đảm chặt chẽ.

Về quy định tại khoản 1 Điều 12, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý lại theo hướng trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp mà không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm, thay vì quy định “cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm” như trong dự thảo Nghị quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước