Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cấp cao, từ các hoạt động ngoại giao trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cho đến quá trình vận động vaccine của các đơn vị trong nước và ngoài nước. Quá trình ngoại giao vaccine thành công cũng thể hiện thành tựu của đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước của Việt Nam.
Chiến dịch Ngoại giao vaccine chưa từng có tiền lệ
Trước diễn biến rất phức tạp của đại dịch COVID-19, nguồn vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới khan hiếm, Việt Nam chưa sản xuất và tự chủ được vaccine, yêu cầu phòng chống dịch rất cấp bách thì Ngoại giao vaccine là mặt trận quan trọng mang tính quyết định, công tác vận động để vaccine về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể là khâu đầu tiên quyết định thực hiện thắng lợi của chiến lược vaccine.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vừa qua các hoạt động đối ngoại cấp cao qua kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã được triển khai hết sức thần tốc, khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả và đã đem lại những kết quả rõ rệt.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao, tính đến tháng 9/2021, Việt Nam đã tiếp nhận 54 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tháng 8 là hơn 16 triệu liều, gấp đôi số lượng vaccine về trong tháng 7. Tháng 9 là hơn 20 triệu liều, gần gấp 3 lượng vaccine về trong tháng 7. Đó là kết quả của chiến dịch ngoại giao chưa từng có tiền lệ với những nỗ lực to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan và hơn 90 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty Pfizer. Ảnh: TTXVN
Diễn biến rất phức tạp của đại dịch COVID-19 do biến chủng Delta hoành hành đã đặt ra các thách thức lớn với mọi quốc gia, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vaccine càng làm gia tăng sự khan hiếm vaccine, tiến trình thực hiện các cam kết và bàn giao vaccine được triển khai khá chậm. Tất cả đều khiến tất cả các nước nằm trong cuộc đua khốc liệt về vaccine.
Việt Nam đang nhận vaccine từ các nguồn nào?
- Vaccine viện trợ qua Cơ chế COVAX, cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine COVID-19. Cơ chế này sẽ đảm bảo cho 20% dân số các quốc gia tham gia được tiếp cận vaccine trong năm 2021. Việt Nam là thành viên và đã đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX, là một trong số ít các nước đang phát triển đóng góp tài chính cho COVAX.
- Mua trực tiếp từ các hãng sản xuất vaccine như Pfizer, AstraZeneca hoặc mua từ các nước có tiềm năng sản xuất vaccine như Cuba, Trung Quốc, Nga…
- Thương lượng để chuyển nhượng, vay quota vaccine dôi dư của các nước trong cơ chế COVAX.
- Vaccine được các nước viện trợ, tặng.
Như vậy, không phải các lô vaccine về Việt Nam đều là hàng viện trợ, hàng tặng từ các nước, mà một phần đáng kể là chúng ta dùng tiền ngân sách Nhà nước, quỹ vaccine phòng chống COVID để mua trực tiếp từ các hãng sản xuất, các nước sản xuất hoặc được cấp trong hạn định từ cơ chế COVAX mà chúng ta cũng có đóng góp tài chính. Và như vậy nhiệm vụ của ngoại giao vaccine là tranh thủ các mối quan hệ song phương và đa phương để vận động nhằm khơi thông, thúc đẩy những nguồn cung trên cũng như mở ra các nguồn cung mới làm sao có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất về Việt Nam.
Đề nghị Pháp tiếp tục viện trợ, cho vay, nhượng lại vaccine cho Việt Nam. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Pháp Nicolas Warnery chiều ngày 22/9. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngoài ra, Ngoại giao vaccine còn bao hàm cả việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch bệnh, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp trong các hoạt động từ ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và cả các hãng sản xuất vaccine… để có thể hỗ trợ cung cấp nhanh nhất vaccine cho Việt Nam. Mọi nỗ lực đều được tập trung mạnh mẽ với những bước đi được định hình quyết liệt ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch.
Tìm kiếm và mở rộng nguồn cung với các đối tác
Ngay từ khi dịch bùng phát, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã dự báo và ban hành chỉ đạo tổng thể công tác phòng chống dịch, trong đó coi chiến lược vaccine như một trong những mũi nhọn hàng đầu. Hiện nay trong đợt dịch lần thứ tư, công tác Ngoại giao vaccine càng được triển khai quyết liệt.
Ông Đỗ Hùng Việt - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết: "Lô vaccine đầu tiên về đến Việt Nam không phải sớm, nhưng là thực tế trên toàn cầu, đặc biệt các nước đang phát triển như Việt Nam. Những liều vaccine đầu tiên từ những nước đang phát triển có tiềm lực y tế rất lớn, họ có ngành khoa học vaccine rất mạnh, họ tự phát triển được nguồn vaccine và nguồn tài chính dồi dào để đặt mua vaccine hay cả khi chưa được cấp phép, hay chưa được sản xuất ra. Những nước đang phát triển như Việt Nam chưa có được những điều kiện đó mà phải chờ đến khi các hãng vaccine sản xuất ra, được công nhận về hiệu quả thì chúng ta mới đặt hàng mua và tiếp cận qua các nguồn".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Ấn Độ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam kiểm soát đại dịch. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla. Ảnh: TTXVN.
Có thể hiểu rằng, Ngoại giao vaccine là tìm kiếm và mở rộng nguồn cung để các đối tác song phương và đa phương chia sẻ, cung cấp sớm nhất và nhiều nhất cho Việt Nam vaccine, thuốc, các trang thiết bị cần thiết và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Và quan trọng hơn cần có một cơ quan đầu mối để tăng cường phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ, ngành, nhằm nâng cao hiệu quả Ngoại giao vaccine trên tất cả các kênh.
Một dấu mốc quan trọng trong công tác Ngoại giao vaccine, đó là ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký quyết định về việc thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Ngoài Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, thì Tổ công tác có thêm các cơ quan khác như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong các buổi làm việc của Tổ công tác, với tư cách là tổ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh: phương châm hành động của Tổ công tác là chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo và hiệu quả, tham mưu triển khai vận động quyết liệt, đồng bộ ở kênh lãnh đạo cấp cao và các cấp, các kênh song phương và đa phương, trong nước và thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dưới mọi hình thức trực tiếp và trực tuyến để tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội tiếp cận vaccine nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất.
Ngoại giao vaccine đã chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Không thể tính hết được số lượng các cán bộ ngoại giao, y tế và nhiều Bộ, Ban, ngành khác đang tham gia chiến dịch vận động ngoại giao có ý nghĩa quan trọng này, đóng góp thiết thực vào cuộc chiến đẩy lùi COVID-19. Rất nhiều nhóm làm việc đang hoạt động không mệt mỏi, kết nối các cơ quan trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, xử lý công việc bất kể đêm ngày, với khối lượng công việc nặng nề và cường độ làm việc khẩn trương.
Những kết quả khả quan tính đến thời điểm hiện tại của Ngoại giao vaccine đã chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục. Đây là thành quả của 35 năm Đổi mới, là kết tinh của nỗ lực nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Nga sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Việt Nam. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: VGP)
Năm 2020, khi dịch bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã tích cực chia sẻ với bạn bè thế giới - những nơi gặp khó khăn về khẩu trang, các vật phẩm phục vụ phòng chống dịch. Những cử chỉ đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao và từ đó sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ khi Việt Nam cần.
Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong hợp tác phòng chống dịch, thúc đẩy để hợp tác quốc tế ở mức độ sâu sắc hơn bằng những hành động cụ thể như: đóng góp sáng kiến, vật chất.
Chủ động tiến công, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả, Ngoại giao vaccine trở thành điểm sáng của ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hiện nay; thể hiện quán triệt đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đặc biệt là huy động các nguồn lực bên ngoài để phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Những đóng góp của ngoại giao vaccine vô cùng ý nghĩa đối với đất nước, đối với nhân dân, trên cơ sở nhắm trúng và đúng những gì đất nước đang cần. Mỗi một liều vaccine về tới Việt Nam, đến được với người dân đều là kết quả thắng lợi của "mặt trận ngoại giao" – một cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần cam go hiện nay.
Đại dịch COVID-19 là thách thức lần đầu tiên cả thế giới chứ không chỉ riêng chúng ta, hay khu vực phải đối phó. Chính vì thế, sẽ không có sự an toàn riêng cho một quốc gia nào, mà phải là an toàn chung trên toàn cầu. Ngoại giao vaccine vì vậy đang mở ra hướng hợp tác mới trong y tế để sống chung lâu dài với COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!