Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Chinhphu.vn
Trong 7 ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 11 khóa XIV, Quốc hội đã hoàn thành việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Nhà nước, trong đó có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều chức danh lãnh đạo khác. Có thể khẳng định, đây là công việc rất quan trọng nhằm đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành của bộ máy Nhà nước một cách liên tục, nhất là đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Quốc hội kiện toàn các chức danh lãnh đạo
Sáng 31/3, Quốc hội đã bầu đồng đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Sáng 5/4, Quốc hội đã bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cũng trong ngày 5/4, Quốc hội đã bầu đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay sau khi được bầu giữ trọng trách mới, dưới cờ đỏ sao vàng, và trước quốc dân đồng bào, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên thệ, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội đã bầu 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, đó là ông Trần Thanh Mẫn, ông Nguyễn Khắc Định và ông Nguyễn Đức Hải.
Bà Võ Thị Ánh Xuân được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Quốc hội tiếp tục kiện toàn một số chức danh. Ông Bùi Văn Cường giữ chức Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Vũ Hải Hà làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ông Lê Quang Huy làm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ông Nguyễn Đắc Vinh làm Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ông Trần Sỹ Thanh làm Tổng Kiểm toán Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Thanh làm Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội.
Vào ngày 8/4, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm 14 thành viên Chính phủ. Đó là Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
12 Bộ trưởng, trường ngành còn lại là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Bộ máy lãnh đạo vừa được kiện toàn có nhiều gương mặt mới ở Quốc hội và Chính phủ. Đây phần lớn là những cán bộ được rèn luyện qua thực tiễn, một số người được thử thách ở những địa bàn khó khăn.
Nhiều người đã rất xúc động khi chứng kiến thời khắc trang trọng và thiêng liêng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng. Và tin rằng, các nhà lãnh đạo sẽ giữ gìn lời hứa, luôn khắc ghi lời tuyên thệ như hành trang của mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sau lễ tuyên thệ, các nhà lãnh đạo cũng đã có bài phát biểu nhậm chức, nhận thức rõ trách nhiệm của mình là phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa cho đất nước trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước coi Lời Tuyên thệ, lời phát biểu của các nhà lãnh đạo như một lời cam kết trước Quốc hội, trước nhân dân về trách nhiệm của họ trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Mong và tin rằng các lãnh đạo sẽ luôn đoàn kết, tận tâm, tận lực, vì đất nước, vì nhân dân.
Nhưng niềm tin không chỉ đặt vào những lời tuyên thệ hay bài phát biểu. Điều mà nhân dân trông chờ hơn hết ở các vị lãnh đạo vừa được bầu, có thể tóm lại trong hai chữ HÀNH ĐỘNG. Hành động quyết liệt, khẩn trương; hành động sáng suốt, hiệu quả; hành động tận tâm tận lực để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Về phía Chính phủ, với 2 Phó Thủ tướng và 12 Bộ trưởng, trưởng ngành khác vừa được Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm thì bộ máy Chính phủ hiện giờ có nhiều điểm đáng chú ý.
Đó là, độ tuổi trung bình thấp hơn khoảng 2 tuổi so với Chính phủ trước khi kiện toàn. Bộ trưởng trẻ nhất là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, 45 tuổi. Về trình độ chuyên môn, có 2 vị là Giáo sư, Tiến sĩ, 3 vị là Phó giáo sư, Tiến sĩ, 9 tiến sĩ, 13 thạc sĩ và 1 cử nhân.
Đó là những cơ sở ban đầu mang đến nhiều sự kỳ vọng trong tương lai. Nhưng kỳ vọng càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề. Điều này chắc chắn mỗi vị lãnh đạo đều cảm nhận rõ. Vậy họ sẽ làm gì để đáp ứng những mong mỏi của nhân dân? Một số thành viên Chính phủ đã có những chia sẻ với phóng viên Đài THVN về phương hướng hành động của mình sau khi được bổ nhiệm.
Nhìn lại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Hoàn thành kiện toàn nhân sự sau Đại hội XIII
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!