Những dấu ấn đặc biệt trong phát triển Chính phủ điện tử

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/03/2021 21:36 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày 09/12/2019. Ảnh: Gia Huy/VGP.

VTV.vn - Tháng 08/2018, lần đầu tiên, Việt Nam có một Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.

Đây là một quyết tâm rất lớn với mục tiêu hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, góp phần thay đổi toàn diện đời sống người dân, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt bậc. Lần lượt Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia… được hoàn thiện và đưa vào vận hành.

Cũng ngay trong nhiệm kỳ này, Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng giao trọng trách tiên phong, vừa dẫn dắt, vừa đồng hành cùng các địa phương phát triển các nền tảng cho Chính phủ điện tử.

Hướng tới cuộc sống số, nền kinh tế số, hiện, Việt Nam thuộc top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP tăng trưởng dương ngay cả trong dịch COVID-19. Cuộc sống ổn định trong bình thường mới. Là điểm đến hàng đầu về du lịch, đầu tư... Đó là một số thành quả của nhiệm kỳ "Chính phủ đột phá trong hành động, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện".

Nghị quyết 17 của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Trong đó, điểm nhấn là dịch vụ công trực tuyến. Chỉ tính riêng dịch vụ công mức cao nhất, mức 4, tức là người dân chỉ cần ngồi ở nhà khai thông tin hồ sơ, sẽ được nhận kết quả tại nhà mà không phải đi ra cơ quan hành chính, chiếm tới hơn 31% trong tổng số dịch vụ công.

Chính phủ điện tử - Hiệu quả với người dân, doanh nghiệp

Chị Tống Thị Hoài (Phường Kim Tân, TP. Lào Cai) có nhu cầu đổi giấy phép lái xe. Chỉ cần ngồi nhà, khai thông tin trên Cổng dịch vụ công tỉnh Lào Cai, sau vài ngày, chị đã được nhân viên bưu điện chuyển giấy phép lái xe đến tận nhà.

Nếu trước đây, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone phải mất tới 2 ngày gửi hồ sơ thông báo khuyến mại đến Sở Công Thương ở những nơi xa nhất. Thì nay với dịch vụ công trực tuyến, chỉ cần khai thông tin, click chuột là xong. Chi phí tiết kiệm khoảng 200 triệu/năm.

Tính đến hết tháng 2/2021, đã có gần 2.800 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; với khoảng 109 triệu lượt truy cập. Chỉ tính riêng cổng dịch vụ công quốc gia, tổng chi phí tiết kiệm lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.

Với dịch vụ công trực tuyến, đã có hơn 5.000.000 trẻ em được khai sinh điện tử và cấp mã số định danh cá nhân.

Để các dịch vụ công hoạt động thông suốt, bảo mật cao, 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, 100% bộ ngành, địa phương đã triển khai hệ thống bảo vệ an toàn an ninh mạng 4 lớp.

Một trong những điểm nhấn của năm qua đó là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó chú trọng mục tiêu Việt Nam sẽ làm chủ các nền tảng công nghệ, tích hợp chia sẻ dữ liệu, sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh mạng Make in Vietnam để nâng cao hiệu quả và độ tin cậy cho Chính phủ điện tử.

Hướng tới Chính phủ số

Trong thời điểm dịch COVID-19, hàng loạt các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam đã ra đời, hỗ trợ người dân phòng chống dịch hiệu quả như: Bluezone, nCoV hay tokhaiyte... Công nghệ Việt giúp cuộc sống ổn định trong trạng thái bình thường mới. Nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm Make in Vietnam cũng là chiến lược trong thời gian tới và bước đi cần thiết giúp Chính phủ điện tử Việt Nam phát triển bền vững.

Thời gian tới, các Bộ ngành sẽ sớm hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật về Chính phủ điện tử nhất là về tích hơp và chia sẻ dữ liệu và định danh cá nhân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ và địa phương tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, để giảm chi phí và thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đến tháng 7 tới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong quản lý tài nguyên đất đai và cũng là nền tảng để phát triển các dịch vụ Chính phủ điện tử.

Đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử: Từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số Đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử: Từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển Chính phủ số

VTV.vn - Hôm nay đã diễn ra lễ khai giảng lớp đào tạo trực tiếp 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử với học viên là những cán bộ chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành, địa phương.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước