Phản bác luận điệu xuyên tạc về quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/09/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đối tượng thù địch chưa hiểu hay không muốn hiểu về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai để xuyên tạc rằng, người dân Việt Nam không có quyền gì đối với đất đai.

Đối diện: Chống xuyên tạc chính sách đất đai

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước, tài sản đặc biệt của nhân dân. Trong quá trình phát triển của đất nước, hàng loạt chủ trương, chính sách về đất đai đã ra đời nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những năm qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện những luận điệu của các đối tượng thù địch, phản động. Chúng cho rằng đất đai là vấn đề nhức nhối của xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân và lợi dụng vấn đề đất đai để kích động gây mâu thuẫn, cũng như bất ổn xã hội.

Chương trình Đối diện tháng 8 của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề Phản bác luận điệu xuyên tạc về vấn đề đất đai đã phân tích rõ các luận điệu xuyên tạc, nhìn nhận rõ tính đúng đắn trong chủ trương, chính sách đối về đất đai phù hợp với chế độ và lịch sử phát triển của Việt Nam.

Nhiều luận điệu xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách về đất đai

Tại Việt Nam, dù gặp rất nhiều khó khăn sau chiến tranh, nhưng nhờ những chính sách đất đai liên tục được sửa đổi, bổ sung để tận dụng thế mạnh về nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Đồng thời với tốc độ phát triển đất nước theo hướng công nghiệp - hóa hiện đại hóa thì đất đai cũng là một nguồn lực vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, "tấc đất, tấc vàng", cũng chính bởi giá trị rất lớn của loại tài sản đặc biệt này đã khiến đất đai luôn là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, có khả năng gây ảnh hưởng tới ổn định chính trị - xã hội. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị, thiếu thiện cảm với Đảng, Nhà nước Việt Nam đã coi việc xuyên tạc các chủ trương, chính sách, các sự kiện liên quan đến đất đai, như một trong những phương cách hàng đầu trong chiến lược kích động, gây rối và chống phá chế độ ở nước ta.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII ban hành Nghị quyết 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" với mục tiêu để nguồn lực đất đai tiếp tục được sử dụng đúng giá trị, công khai, minh bạch, phù hợp với thực tế ở Việt Nam.

Và như mọi khi, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí lại tiếp tục những luận điệu xuyên tạc, bóp méo.

Những luận điệu phổ biến trên các trang báo, mạng xã hội thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, Việt Tân, BBC tiếng Việt.

Tần suất công kích, xuyên tạc về chính sách đất đai của Việt Nam từ các thế lực phản động, thù địch tăng gấp nhiều lần khi Nghị quyết 18 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" được ban hành.

Phản bác luận điệu xuyên tạc về quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân - Ảnh 3.

Bài viết xuyên tạc về chính sách đất đai "Vì sao dân chỉ được quyền sử dụng mà không được quyền sở hữu" - cùng với đó là hình ảnh người dân khiếu kiện đông người từ năm 2002 nhưng được dùng để minh họa cho 1 bài báo vào tháng 5/2022.

Trong khi các thế lực thù địch, phản động quy kết Nghị quyết 18 không có gì thay đổi thì ngược lại, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là đổi mới, thực chất, hài hòa và hiệu quả.

Nhiều người về bản chất đã hiểu chưa đúng thế nào là sở hữu đất đai. Chính vì vậy, có những ý kiến chống phá, tấn công vào chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, cho rằng chế độ sở hữu này cản trở phát triển kinh tế.

Ông ĐẶNG HÙNG VÕ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đây là những cách thức không mới của các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam. Nhiều năm qua, những gì Việt Nam làm tốt thì thường xuyên bị xuyên tạc, hạ thấp. Những gì bị coi là khuyết điểm, sai sót thì bị xoáy vào. Những gì làm đúng, không thiếu sót thì bị xuyên tạc để dẫn dắt dư luận và cộng đồng quốc tế hiểu sai.

Ngay từ cái tên của Nghị quyết 18: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã có thể thấy sự quyết liệt, thiết thực, đúng đắn trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Cũng từ đây, không khó để nhận thấy bản chất những cái gọi là "canh tân" hay kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai của những người thiếu thiện chí, không phải vì mục đích hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai mà chỉ là chiêu trò để thu hẹp, tiến tới loại trừ vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai. Lâu dài là nhằm làm thay đổi bản chất xã hội, đánh chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.

Hiểu rõ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai

Như phát biểu của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, có những đối tượng chưa hiểu, hay thực ra là không muốn hiểu về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, để xuyên tạc rằng người dân Việt Nam không có quyền gì đối với đất đai, rồi đây là nguồn cơn của bức xúc, khiếu kiện.

Vậy thực tế, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là gì? Đó là chế độ sở hữu chung của toàn xã hội, trong đó một số quyền được giao cho cơ quan nhà nước, một số quyền được giao cho người dân.

Như vậy, người sử dụng đất có thể phát triển kinh tế, còn Nhà nước có thể điều tiết quan hệ đất đai có lợi cho lợi ích quốc gia. Chế độ sở hữu này cũng rất rõ ràng về mặt pháp lý bởi các chủ thể liên quan đều đã được quy định trong Luật.

Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chủ trương và chính sách về đất đai cũng liên tục được thực hiện cho phù hợp với thực tiễn. Những vấn đề nảy sinh liên quan đến đất đai, phần lớn là do những hạn chế trong tổ chức thực hiện và giám sát.

Thêm vào đó, cần phải khẳng định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường Việt Nam, đồng thời đảm bảo tự do, bình đẳng về tiếp cận tư liệu sản xuất rất quan trọng là đất đai.

Tại Đồng bằng Sông Cửu Long cách đây 10 năm, Chính phủ đã có riêng một chính sách để giúp những hộ nghèo, vì khó khăn mà phải bán đi mảnh đất của mình, được vay vốn để chuộc lại.

Câu chuyện cho thấy sự ưu việt của quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu". Bởi với quy định này, Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sẽ điều phối để bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận đất đai, không bỏ ai ở lại phía sau.

Tuy nhiên, vì cố tình không hiểu thực tế đó mà các thế lực thù địch vẫn ra rả nhắc đi nhắc lại những luận điệu cũ rích như "quy định như hiện tại là một sự khôn lỏi của Nhà nước, mù mờ về mặt pháp lý và làm cho hàng triệu người khốn khổ".

Họ không hiểu rằng, chế độ sở hữu toàn dân của ta là chế độ sở hữu chung. Toàn dân là tất cả công dân Việt Nam. Phân chia một cách minh bạch giữa các cơ quan nhà nước với tư cách là đại diện pháp lý, được giao quyền thống nhất quản lý trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và giao cho người sử dụng đất một số quyền rất quan trọng. Khi có tranh chấp xảy ra, chúng ta dựa trên việc ai vi phạm quyền đó để xử lý. Vậy không có vấn đề gì mù mờ về pháp lý trong chế độ sở hữu toàn dân của đất đai.

PGS.TS. TRẦN THỊ MINH CHÂU - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chọn định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam hướng tới một xã hội bình quyền. Trong đó, con người không những được tự do, bình đẳng về chính trị, mà còn được tự do, bình đẳng về kinh tế, bình đẳng cả về sở hữu tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai.

Vì sao Việt Nam không áp dụng sở hữu tư nhân về đất đai?

Tạo nên sự hỗn loạn chính là âm mưu của việc xuyên tạc sở hữu toàn dân về đất đai. Cũng nhằm mục đích ấy, một số đối tượng cổ xúy cho quan điểm Việt Nam cần có sở hữu tư nhân về đất đai.

Chưa xét đến yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể thấy rất rõ, sở hữu tư nhân đất đai sẽ dẫn đến nhiều hệ quả. Một số người có điều kiện kinh tế sẽ thu gom đất đai và trở thành những nhà tư bản. Những người không còn đất đai, mất tư liệu sản xuất rất có thể sẽ bị bần cùng hóa và sự phân hóa giàu nghèo là cái kết tất yếu.

Còn đối với một số ý kiến cho rằng, nhiều nước hiện nay đang áp dụng chế độ sở hữu tư nhân mà có sao đâu, tại sao Việt Nam không áp dụng?

Mỗi nước có một hoàn cảnh lịch sử khác nhau, một chế độ chính trị khác nhau. Công nhận sở hữu tư nhân về đất đai thì chẳng khác nào quay lại thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám và phủ nhận hoàn toàn những thành tựu cách mạng đã đạt được.

Thêm vào đó, thế giới không chỉ có một Luật Đất đai, cho nên sự khác biệt giữa Việt Nam với các quốc gia khác trong quan điểm và chính sách về đất đai là điều rất bình thường. Quan trọng là tại Việt Nam, chính sách ấy là nhằm đảm bảo nguồn lực đất đai phục vụ cho quảng đại người dân và phát triển đất nước.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, với hình thức chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến đã bóc lột nông dân dưới nhiều hình thức như phát canh - thu tô, nợ lãi. Sự đối lập giữa địa chủ phong kiến và người nông dân rất rõ rệt.

Quan điểm "sở hữu tư nhân về đất đai" rõ ràng đã không phù hợp ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Thế nhưng, khái niệm "sở hữu tư nhân về đất đai" lại được những phần tử thiếu thiện chí ca ngợi, coi đây là giải pháp để giải quyết được hết các mâu thuẫn liên quan đến đất đai.

Phản bác luận điệu xuyên tạc về quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân - Ảnh 7.

Thậm chí, họ còn cho rằng, công nhận sở hữu tư nhân về đất đai sẽ mang lại hiệu quả sử dụng đất cao hơn. Nhưng thực tiễn cho thấy, đây không phải giải pháp ưu việt, và cũng không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam kiên định.

Theo một số chuyên gia, sở hữu tư nhân về đất đai trong điều kiện kinh tế thị trường là điều bất lợi. Bởi sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo, người thì có quá nhiều đất, người lại không có tấc đất cắm dùi.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao vẫn có những giọng điệu ra sức cổ xúy sở hữu tư nhân về đất đai?

Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản thì chế độ sở hữu trước hết phải là chế độ sở hữu toàn dân về những tư liệu sản xuất chủ yếu. Tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai mà lại thuộc sở hữu tư nhân thì đồng nghĩa với việc sâu xa chúng ta sẽ không thể nào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đây là âm mưu, dã tâm thâm độc của các thế lực thù địch.

PGS.TS. VŨ VĂN PHÚC - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Sửa đổi chính sách đất đai để đáp ứng thực tiễn, phù hợp bối cảnh lịch sử

Đưa sở hữu tư nhân, hay đa sở hữu về đất đai vào Việt Nam, về bản chất, đó là thủ đoạn nhằm giảm bớt vai trò của Nhà nước trong quản lý đất đai.

Hiện nay, về bản chất, với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, người sử dụng đất có rất nhiều các quyền khác đối với đất đai bao gồm chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế, góp vốn, tặng, cho… và điều này cũng tương tự như các quốc gia áp dụng chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, bởi ngay cả ở đó thì cá nhân cũng không thể có quyền tuyệt đối với tài sản của mình.

Như vậy, tại Việt Nam, khi chế độ sở hữu toàn dân đã và đang giải quyết được các quan hệ đất đai và mục đích sử dụng đất một cách hợp lý thì cần gì phải làm phức tạp tình hình bằng việc công nhận thêm chế độ sở hữu đất đai khác, nhất là khi điều này xuất phát từ một vài nhận định vu vơ và vô căn cứ.

Quy định của pháp luật nêu rõ: Người dân không sở hữu về đất đai nhưng có quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Tại các văn phòng công chứng, người sử dụng đất có thể thực thi toàn diện các quyền của mình đối với đất bao gồm chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp hay góp vốn.

Đây đều là những quyền năng quan trọng, mang tính định đoạt của chủ sở hữu đầy đủ. Ngay cả các nước áp dụng chế định sở hữu tư nhân về đất đai thì cũng không tuyệt đối hóa quyền này.

Hàn Quốc công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai nhưng khi cần Nhà nước vẫn có thể trưng thu.

Hay như tại Mỹ, Canada thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, nhưng không có nghĩa là chủ sở hữu có thể toàn quyền định đoạt với tài sản này. Nhà nước vẫn giữ nhiều quyền định đoạt quan trọng như quyền quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quyết định mục đích sử dụng đất, thậm chí thu hồi đất thuộc sở hữu tư nhân để phục vụ các lợi ích công cộng.

Pháp duy trì cả hai hình thức sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước về đất đai. Trong trường hợp cần sử dụng đất cho các mục đích công cộng, Nhà nước vẫn có quyền yêu cầu chủ sở hữu tư nhân nhường quyền sở hữu thông qua bồi thường thiệt hại.

Còn ở Anh, đất đai thuộc về Nữ hoàng theo quy định của Hiến pháp. Người dân chỉ được thuê đất của Nữ hoàng trong 70 năm.

Mỗi quốc gia có hoàn cảnh lịch sử khác nhau, không thể lấy quy định của quốc gia này, thậm chí là thông lệ quốc tế, áp dụng vào được, vì không ai thay đổi được lịch sử. Ở nhiều nước trong lịch sử, người dân châu Âu đến khai phá và xác nhận quyền sở hữu đất đai trước khi các quốc gia này được thành lập, nên người ta thừa nhận đất đai thuộc sở hữu tư nhân.

Còn tại Việt Nam, đất đai, vốn dĩ là tài sản của quốc gia - dân tộc, là công lao khai phá, bảo vệ, cải tạo, xây đắp bằng chính xương máu của bao thế hệ người dân Việt Nam, tức là tập thể, chứ không phải do một cá nhân nào.

Phản bác luận điệu xuyên tạc về quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân - Ảnh 9.

Năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng chủ trương “thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng”. Mang lại ruộng đất cho dân cày, chủ trương của Đảng đi thẳng vào sự khao khát nhất của người nông dân. Bởi phần lớn đất đai lúc này tập trung vào địa chủ và chủ đồn điền người Pháp. Nông dân chiếm tới hơn 90% dân số nhưng chỉ sử dụng chưa tới 30% ruộng đất.

Chính vì vậy, giữ chế độ sở hữu toàn dân tộc là hợp lý. Bất kỳ một chế độ sở hữu đất đai ở bất kỳ nước nào cũng phải kế thừa và giải quyết các kết quả của quá trình phát triển lịch sử ở nước đó.

Nhìn lại lịch sử đất nước, có thể thấy rõ, trong từng giai đoạn lịch sử, kể từ Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến nay, với sự ra đời của Luật Đất đai 1987 đến Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013, chính sách pháp luật về đất đai luôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hoàn thiện.

Đất đai từ thuộc quyền sở hữu của một bộ phận thiểu số, đã thuộc về sở hữu toàn dân theo hướng công bằng, đồng thời phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng phục vụ cho phát triển đất nước. Việc điều chỉnh, sửa đổi chính sách đất đai đáp ứng thực tiễn, phù hợp với bối cảnh lịch sử rõ ràng là giải pháp phù hợp nhất.

Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18 nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về đất đai. Đây được coi như một cơ sở chính trị quan trọng giúp nhiều vấn đề sẽ được giải quyết như đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm được quỹ đất cho các chương trình nhà ở xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính đất đai cho vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn; giải quyết được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất tôn giáo.

Phản bác luận điệu xuyên tạc về quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân - Ảnh 10.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 18 nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về đất đai

Rõ ràng, điều này chỉ có thể có được khi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai được đảm bảo, để Nhà nước có thể thực hiện vai trò của mình trong duy trì ổn định và công bằng xã hội, mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng.

Sở hữu toàn dân về đất đai, đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề đất đai nhằm phân bổ nguồn lực một cách công bằng, phục vụ cho lợi ích của đất nước, nhân dân trong quá trình phát triển.

Những người bới lông tìm vết, thổi phồng những sai sót trong vấn đề đất đai để áp đặt tư duy sở hữu tư nhân về đất đai bất chấp bối cảnh lịch sử và phát triển của đất nước thì không khó để nhận diện họ là ai.

Đó là những người không có lợi ích liên quan, thậm chí hằn học với chế độ, nhưng lại vờ quan tâm, lo cho quyền lợi của người dân, đưa ra những phát ngôn vô căn cứ, rồi xuyên tạc, chỉ trích nhưng không bao giờ có giải pháp, mà nếu có thì cũng chẳng khả thi, để từ đó, lợi dụng kích động đám đông, mưu toan phá vỡ ổn định chính trị - xã hội, làm chậm lại sự phát triển của đất nước.

Sâu xa hơn, những âm mưu này nhằm kích động, lèo lái dư luận, hòng làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước