Phản bác luận điệu xuyên tạc tự do báo chí trong xử phạt vi phạm ngăn cản tố tụng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/08/2022 22:34 GMT+7

VTV.vn - Pháp lệnh xử phạt vi phạm ngăn cản tố tụng được thông qua là phù hợp với thông lệ quốc tế, không vi phạm quyền tự do báo chí như các thế lực thù địch xuyên tạc.

Những hành vi ghi âm, ghi hình hay phát trực tiếp livestream tại các phiên tòa mà chưa được phép sẽ bị cấm theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trợ hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này mới đây đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Bởi hành vi này được cho là gây xao nhãng, cản trở hoạt động xét xử, ảnh hướng đến quyền của những người tham gia phiên tòa.

Thế nhưng, nội dung này đã bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc nhiều nhất, cho rằng: Điều này vi phạm nhân quyền, cụ thể là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Xuyên tạc tự do báo chí tại Việt Nam

Ngay khi Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thông qua, trong đó quy định cấm ghi âm ghi hình tại phiên tòa khi chưa được phép, tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tải luận điệu "Tự do báo chí đang bị bóp nghẹt ở Việt Nam".

Một tài khoản mạng xã hội khác thì cho rằng pháp lệnh bịt miệng trói tay nhà báo, luật sư.

VOA Tiếng Việt thì tiếp tục luận điệu rằng pháp lệnh sẽ bóp nghẹt thêm tự do báo chí vốn đã bị thắt chặt tại Việt Nam.

Phản bác luận điệu xuyên tạc tự do báo chí trong xử phạt vi phạm ngăn cản tố tụng - Ảnh 1.

Còn một số đối tượng phản động, thù địch thì cho rằng pháp lệnh này ra đời trong bối cảnh Việt Nam tăng cường kiểm soát truyền thông và mạng xã hội, bắt giữ và bỏ tù các nhà báo, các blogger và người dùng mạng xã hội.

Phản bác luận điệu xuyên tạc tự do báo chí trong xử phạt vi phạm ngăn cản tố tụng - Ảnh 2.

Những nhà báo, blogger và người dùng mạng xã hội bị bắt giữ thực chất là những người xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, vi phạm pháp luật. Còn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hay tiếp cận thông tin tại Việt Nam luôn được bảo đảm.

Trở lại với câu chuyện pháp lệnh, nhiều nước đã có quy định tương tự.

Theo phóng viên Thế Dũng, liên quan việc ghi âm, ghi hình, Liên minh châu Âu có luật chung về việc ghi âm, ghi hình và mỗi quốc gia châu Âu cũng có luật riêng. Điểm chung là việc ghi âm, ghi hình người khác mà chưa được sự đồng ý của người được ghi hình có thể bị xử phạt theo khung hình căn cứ vào hậu quả mà hành vi ghi âm, ghi hình gây ra. Ở Đức, việc ghi âm, ghi hình người khác mà không được phép là bất hợp pháp. Tội danh này có thể bị phạt tù từ 2-3 năm hoặc bị phạt tiền. Còn ở Đan Mạch, nếu phạm tội danh tương tự cũng bị phạt tiền hoặc phạt tù không quá hai năm. Năm 2021, Đài BBC của Anh bị phạt 26.000 bảng (hơn 31.000 USD) vì ghi âm, sau đó phát sóng đoạn ghi âm ngắn của phiên tòa đang diễn ra. Việc ghi lại phiên tòa cho dù bằng âm thanh hay video đều là bất hợp pháp.

Theo phóng viên Thái Thanh, tại Tòa án tối cao của Mỹ, việc tác nghiệp của báo chí được quy định tương đối rõ ràng và chi tiết. Ví dụ, việc phỏng vấn, ghi hình chỉ được thực hiện tại sảnh, lối đi phía trước. Không được phỏng vấn, tác nghiệp bên trong tòa án, kể cả trong phòng báo chí. Biên bản của của phần tranh tụng tại tòa, phần ghi âm hoạt động của tòa, đã được thực hiện từ năm 1955, và bây giờ cũng đã được đưa lên mạng để báo chí, hay công chúng có thể tiếp cận. Một số tòa của Mỹ tại một số bang, giờ bắt đầu cung cấp nguồn hình ảnh, đường dẫn video và đây là một phần công việc của tòa án, chứ báo chí, hay người dân, không có chuyện tự động mang thiết bị, máy quay vào ghi âm, ghi hình vào phiên tòa.

Nhìn từ thực tiễn tại châu Âu hay Mỹ thì thấy rõ ràng hoạt động tư pháp của Việt Nam đang theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế, chứ không hề có chuyện cấm cản báo chí, luật sư. Ở một góc độ rộng hơn, pháp lệnh xử phạt này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, đó là đảm bảo quyền con người.

Đảm bảo quyền lợi các bên trong hoạt động tố tụng

Thường xuyên tác nghiệp tại các phiên xét xử, nhà báo Vũ Công Định, Thông tấn xã Việt Nam xác định không xâm phạm đến quyền riêng tư của những người liên quan là một trong những yêu cầu phải được đặt lên hàng đầu.

"Theo pháp luật quy định đối với người được coi là có tội là khi bản án của pháp luật có hiệu lực. Vì vậy khi tác nghiệp phải ghi hình trung thực toàn bộ phiên tòa nhưng với những người này thì chúng tôi xử lý che hình của họ đi, đặc biệt là các phiên tòa xét xử vụ án dân sự, kinh tế. Mọi hoạt động phải tuân theo quy định tại tòa" - nhà báo Vũ Công Định, Thông tấn xã Việt Nam nói.

Trước tình trạng ghi hình, ghi âm, phát trực tiếp tràn lan diễn ra tại một số phiên xét xử, một số ý kiến khẳng định ban hành pháp lệnh này giúp chấn chỉnh hoạt động thông tin trong hoạt động tố tụng, đảm bảo tính tôn nghiêm của hoạt động tư pháp, và quan trọng hơn là bảo vệ quyền con người.

"Ai đó, một thế lực nào đó nói rằng Nhà nước Việt Nam hạn chế hoạt động báo chí, o ép mà không đưa ra được bằng chứng cụ thể thì những luận điệu này mang tính xuyên tạc, bôi nhọ, cản trở hoạt động của báo chí. Và tôi cho rằng các nhà báo chân chính không bao giờ ủng hộ, đồng tình với các luận điệu này" - Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự) nói.

"Nhà báo có quyền như vậy nhưng người khác cũng có quyền rất thiêng liêng. Chẳng hạn anh có một người em gái đang liên quan đến vụ án hôn nhân, trước phiên tòa em gái anh trình bày lý do tại sao ly hôn, tài sản có cái gì, tiền bạc bao nhiêu mà không chia. Nếu có ai đó livestream toàn bộ tài sản của em gái anh lên trên mạng cho cả thế giới biết thì anh có chịu được không anh có đồng ý không. Một nguyên tắc lớn ở đây là bảo vệ quyền con người, anh không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình để đưa câu chuyện này lên trên mạng được. Luật quy định là để bảo vệ quyền riêng tư của con người" - ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nói.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước