Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi ngày càng cấp thiết, quan trọng

PV-Thứ ba, ngày 12/03/2024 16:03 GMT+7

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần khẩn trương tổng kết, ban hành văn bản chỉ đạo, pháp luật, chiến lược về người cao tuổi trong tình hình mới.

Sáng 12/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác kiện toàn bộ máy tổ chức cấp hội người cao tuổi, nhất là từ cơ sở để chăm sóc, phát huy hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Các vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng, vì thế theo Phó Thủ tướng, có tầm nhìn xa hơn trong công tác người cao tuổi về cuộc sống, sức khỏe và các vấn đề xã hội. Điều đó không chỉ thể hiện tính ưu việt của chế độ mà còn là bước chuẩn bị dài hạn để bảo đảm chất lượng, cơ cấu dân số khi bước vào giai đoạn già hóa.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Các vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi ngày càng cấp thiết, quan trọng - Ảnh 1.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN

Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, năm 2024, các bộ, ngành, địa phương Hội Người cao tuổi Việt Nam khẩn trương tổng kết, cập nhật nội dung Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về người cao tuổi trong tình hình mới, làm cơ sở xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, pháp luật, chiến lược căn cơ, bài bản và dài hạn.

Các tỉnh ủy, thành ủy sớm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam (Kết luận số 58), phấn đấu đến hết quý III/2024, 100% các tỉnh, thành phố thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, huyện.

Các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tăng cường phối hợp thanh tra, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.

Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tôn vinh người cao tuổi tiêu biểu…; tổng hợp và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả của người cao tuổi; nghiên cứu, đề xuất đổi mới chủ trương, chính sách pháp luật; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế; thực hiện khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác người cao tuổi ở nước ngoài.

Hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 5,4 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, 15 triệu người cao tuổi có thẻ BHYT... Đến nay, 14 tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Hiện cả nước có trên 7 triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; gần 734.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể…; đóng góp 2 triệu ngày công, hiến hơn 1 triệu m2 đất, 260 tỷ đồng thực hiện phong trào nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, ở mức thấp. Tỉ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo là 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung cả nước. Một số địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho người cao tuổi; chưa quan tâm, bố trí khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho người cao tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước