Quốc hội thảo luận dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Ngọc Hà, Trần Nam-Thứ ba, ngày 20/06/2023 20:09 GMT+7

VTV.vn - Một số đại biểu đề nghị cần phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Quốc hội thảo luận dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tài nguyên nước phong phú nhưng lại phân bổ không đều về mặt lãnh thổ, vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo luật về vấn đề điều hòa, phân phối tài nguyên nước, đặc biệt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước phải rất cụ thể để đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu chưa lường được hết.

"Tại Ninh Thuận, vấn đề của mọi vấn đề vẫn là nước. Thời gian qua, Trung ương cũng đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa nước; địa phương cũng rất nổ lực đầu tư, phát triển hệ thống thủy lợi, nhưng đến nay cũng mới đáp ứng tưới được khoảng 40% diện tích đất sản xuất. Các quy định của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chỉ thực sự hiệu quả nếu được đảm bảo thực hiện bởi các nguồn lực thiết yếu từ các chính sách khác như: chiến lược về quy hoạch; đầu tư; xây dựng; bố trí, phân bổ nguồn vốn phù hợp, kịp thời…" - bà Chamaléa Thị Thủy - đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu.  

"Đặc thù của tài nguyên nước là có nhiều nguồn nước xuyên quốc gia, hầu hết là những nguồn nước lớn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là nước ta là một nước nông nghiệp, vì vậy tôi đề nghị rà soát các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia để bổ sung thêm các quy định về nội dung này" - bà Nguyễn Thị Việt Nga - đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu.

Quốc hội thảo luận dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Do quản lý tài nguyên nước là vấn đề đa ngành tổng hợp nên nhận được nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng, việc xử lý ô nhiễm cần nguồn kinh phí rất lớn, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật nên quy định cụ thể hơn về những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư bảo vệ nguồn nước và phục hồi những dòng sông chết.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận dự Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) - Ảnh 3.

Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: An Đăng - TTXVN

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Luật đã bổ sung nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng và các giao dịch xuyên biên giới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước