Quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng thành lập

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 09/01/2023 16:15 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội ấn nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

VTV.vn - Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua, Hội đồng Y khoa Quốc gia có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia

Tại Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội chiều 9/1, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 386/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Đáng chú ý, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã nêu rõ quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia. Theo đó, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.

Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ:

- Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

- Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

- Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

- Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Giải trình quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia (Điều 25) trước khi dự thảo Luật được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, theo kinh nghiệm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực của người hành nghề thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.

Quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng thành lập - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

Dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Tuy nhiên, khi quy định cụ thể về các nội dung trong Điều này, đề nghị Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do Hội đồng Y khoa quốc gia là mô hình lần đầu tiên có ở Việt Nam, nên còn nhiều vấn đề mới, chưa rõ, chưa ổn định nên dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.

Quy định thời hạn của giấy phép hành nghề khám chữa bệnh là 5 năm

Một điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là quy định: Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm.

Các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm:

a) Bác sỹ;

b) Y sỹ;

c) Điều dưỡng;

d) Hộ sinh;

đ) Kỹ thuật y;

e) Dinh dưỡng lâm sàng;

g) Cấp cứu viên ngoại viện;

h) Tâm lý lâm sàng;

i) Lương y;

k) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Chính phủ quy định chức danh chuyên môn và điều kiện cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề đối với chức danh chuyên môn được bổ sung ngoài các chức danh quy định phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Giải trình về quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, quy định này nhằm thể chế yêu cầu ‟cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo thông lệ quốc tế" của Nghị quyết 20/NQ-TW, mặt khác, nhằm kiểm soát chất lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tạo căn cứ pháp lý để tăng cường hội nhập quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

Theo dự thảo Luật, cứ 5 năm 1 lần, người hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để được gia hạn giấy phép.

Về đề nghị gia hạn tự động, do việc cấp lại giấy phép hành nghề cần thời gian thẩm định, rà soát hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép không thực hiện gia hạn tự động mà đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện gia hạn giấy phép hành nghề trực tuyến để bảo đảm tiến độ, thời gian, tính công khai và giảm chi phí (bao gồm khai báo thông tin và nộp hồ sơ, đánh giá kết quả, trả lời và công bố kết quả gia hạn giấy phép hành nghề).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước