Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nên định lượng, tránh chung chung

Thuỳ An-Thứ bảy, ngày 07/01/2023 10:36 GMT+7

(Ảnh minh hoạ)

VTV.vn - Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Cần định lượng tránh chung chung

Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Góp ý chung về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, trong dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như: dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đại biểu cho rằng, đây là những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện.

Theo đại biểu, Quy hoạch nêu mục tiêu phát triển đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao về tầm nhìn đến năm 2050, là nước phát triển thu nhập cao. Đại biểu nêu quan điểm, điều khác nhau dễ thấy giữa nước đang phát triển và nước phát triển đó là chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đất nước đang phát triển vẫn còn suy nghĩ tiền nào của nấy, nếu sản phẩm trên thị trường mà không cạnh tranh bằng chất lượng thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại, mà những người làm ra sản phẩm chất lượng cũng bị cạnh tranh không lành mạnh.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung nội dung phát triển hệ thống các trung tâm, cơ sở kiểm định chất lượng sản phẩm tầm cỡ khu vực, có lộ trình hoàn thiện pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận với các nền kinh tế mà chúng ta muốn đưa sản phẩm đến.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nên định lượng, tránh chung chung - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện

Cùng quan điểm với ông Cảnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị rà soát lại những đánh giá giải pháp tránh đưa ra nhiều cụm từ chung chung không mang tính định lượng, nội hàm không rõ ràng. 

Nữ đại biểu này cho biết, qua nghiên cứu quy hoạch tổng thể, những cụm từ như "chưa đồng bộ", "chưa hợp lý", "thiếu đồng bộ" đã được sử dụng rất nhiều ở phần đánh giá chung về hạn chế yếu kém. Còn trong phần định hướng phát triển lại dùng quá nhiều cụm từ như "hợp lý cho nhiều lĩnh vực" trong khi nội hàm như thế nào là hợp lý thì chưa xác định rõ ràng. Ví dụ trong định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo có đưa ra mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông được phát triển hợp lý, 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn được phân bổ hợp lý trên các vùng…

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nên định lượng, tránh chung chung - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

"Quy hoạch tổng thể quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, đây là cơ sở lập các quy hoạch khác và cũng là căn cứ triển khai xây dựng các chương trình phát triển kinh tế xã hội trước mắt cũng như lâu dài nên cần có sự tính toán kỹ lưỡng khoa học và thận trọng, sự rà soát khách quan để tránh ôm đồm, dàn trải", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Quy hoạch cứng và quy hoạch mềm

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nên định lượng, tránh chung chung - Ảnh 3.

Đại biểu Trịnh Xuân An đoàn Đồng Nai

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, những nội dung "quy hoạch cứng" như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong Quy hoạch này. Đối với những nội dung khác, thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế nên xác định là "quy hoạch mềm" để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung, có thể làm hạn chế việc phát triển.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Xuân An cũng góp ý vào những nội dung cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia như  bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa và Nghệ An; phải xác định rõ ràng là nông nghiệp mới là ngành có thể so sánh, có thể cạnh tranh với thế giới. Quy hoạch tổng thể mang tính là quy phạm nên phải sát sao, cụ thể hơn phần liên quan đến phần quốc phòng an ninh…

Tránh để "cơm cũng dở và phở cũng không ngon"

Góp ý về dự thảo Nghị quyết, liên quan đến các trường đại học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên), cho biết trong đề án phát triển quy hoạch đại học nêu rõ việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học quy mô nhỏ, đơn ngành, hoạt động kém hiệu quả kém chất lượng dựa trên tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng.

Đại biểu cho rằng cần diễn đạt lại cho hợp lý hơn để tránh hiểu lầm. Theo đại biểu Nghĩa, hiện xu hướng đại học đa ngành đang là xu hướng lớn, như Bách khoa hay một số trường đang lập các trường trong đại học. Đây là xu hướng tốt song không phải trường nào cũng có nguồn lực lớn như Bách khoa.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Nên định lượng, tránh chung chung - Ảnh 4.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Đại biểu đoàn Phú Yên cho biết hiện có nhiều đại học nhỏ nhưng hiệu quả, đơn ngành nhưng có người theo học, phát huy được lĩnh vực này. Nếu chúng ta lại sáp nhập, hợp nhất, giải thể các trường đại học quy mô nhỏ, đơn ngành thì cần có sự diễn đạt lại cho phù hợp. Tránh tình trạng nhiều trường đại học nhỏ cố gắng đa ngành, cố mở thêm ngành mới để tránh vào khung bị giải thể, hợp nhất. Từ đó dẫn đến việc "nhà bán cơm lại nỗ lực mở thêm hàng phở", kết quả là "cơm cũng dở và phở cũng không ngon".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước