Sau gần ba tháng kể từ kỳ họp thường lệ lần thứ 8, sáng ngày 12/2, Quốc hội khóa XV đã khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 nhằm xem xét và quyết định nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến cải cách, sáp nhập và tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 4 dự luật quan trọng, bao gồm: Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, cùng 5 dự thảo Nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
"Việc sửa đổi các luật này nhằm tinh giản, sắp xếp bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức thực hiện", bà Đặng Bích Ngọc, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ.
Bà Đặng Bích Ngọc, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ rằng việc sửa đổi các luật lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, mọi quy trình ban hành luật, từ Luật Tổ chức, Luật Tố tụng đến Luật Dân sự, Kinh tế,… đều phải tuân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, nếu thể chế được coi là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", thì những vướng mắc trong chính Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được tháo gỡ trước tiên để giải quyết các điểm nghẽn khác trong hệ thống pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi lần này có vai trò then chốt với nhiều điểm mới quan trọng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật, đảm bảo quy trình làm luật tinh gọn nhưng hiệu quả.
"Thứ nhất, quy trình lập pháp của Quốc hội được chia thành hai loại: chương trình định hướng nhiệm kỳ, giúp thể chế hóa đường lối của Đảng trong cả nhiệm kỳ, và chương trình lập pháp hàng năm, được thiết kế linh hoạt hơn. Khi phát sinh vấn đề từ thực tiễn, cơ quan nhà nước hoặc người dân, doanh nghiệp có thể đề xuất, Chính phủ xem xét và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình lập pháp hàng năm nhanh chóng, rút ngắn thời gian từ 18 tháng xuống còn vài tháng. Thứ hai, quy trình xây dựng luật được tách thành giai đoạn làm chính sách và giai đoạn quy phạm hóa chính sách, giúp đảm bảo chất lượng nội dung trước khi soạn thảo luật", T.S Dương Thị Thanh Mai cho biết.
Tiến sĩ Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết những điểm mới trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi lần này.
Việc bổ sung, sửa đổi các định chế pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị đang được tiến hành khẩn trương theo phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng", nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy. Đây là nhiệm vụ cấp thiết với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi các cơ quan làm luật phải làm việc liên tục, từ sáng sớm đến đêm khuya, kể cả ngày nghỉ.
Theo phương án sắp xếp bộ máy của Quốc hội, cơ cấu các Ủy ban của Quốc hội sẽ giảm, không bố trí chức danh Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách. Việc thay đổi này đòi hỏi sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội để phù hợp với mô hình mới. Ở khối Chính phủ, việc sắp xếp lại các bộ, ngành cũng kéo theo điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, khiến Luật Tổ chức Chính phủ cần được sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho bộ máy vận hành hiệu quả hơn.
"Chúng tôi đã bám sát chủ trương của Đảng và Quốc hội để đổi mới tư duy lập pháp, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả", Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại kỳ họp.
Theo bà Đặng Bích Ngọc, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Luật Tổ chức Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền ban hành văn bản, cũng như nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội. Trên cơ sở đó, các nghị quyết sẽ quy định chi tiết, đảm bảo thực thi hiệu quả. Luật Tổ chức Chính phủ xác định rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng và các cơ quan ngang bộ. Điều này giúp xây dựng nghị quyết sát với thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, đảm bảo tổ chức vận hành hiệu quả từ trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư từng nhấn mạnh rằng việc sửa đổi thể chế phải đảm bảo tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương, tạo điều kiện cho địa phương chủ động đề xuất và kiến nghị các vấn đề với Trung ương. Lần sửa đổi này đã thể hiện rõ tinh thần đó khi giảm bớt đầu mối trung gian, phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương.
"Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này đã tinh giản đáng kể các hình thức văn bản pháp luật, giảm 8 chủ thể ban hành và 6 hình thức văn bản. Điều này không chỉ giúp hệ thống pháp luật trở nên gọn nhẹ hơn mà còn rút ngắn thời gian ban hành văn bản, đảm bảo kịp thời điều chỉnh theo thực tiễn", TS. Dương Thị Thanh Mai cho biết thêm.
Để bộ máy sau khi được tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc rà soát thực hiện Nghị quyết số 18 cho thấy còn hơn 5.000 văn bản luật và dưới luật cần xem xét, trong đó hơn 200 luật phải sửa đổi, bổ sung.
Tại kỳ họp bất thường, Quốc hội chỉ mới xem xét và thông qua 4 luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Đây là bước đi quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách, giúp bộ máy sau khi tinh gọn có thể vận hành ngay, hỗ trợ phát triển đất nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!