Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành Chỉ thị để yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và địa phương tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên vào tháng 7.
Thông tư ban hành Quy chế thi THPT quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 13/4 tới đây. Theo Quy chế này, kể từ năm nay, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cho từ 1-1,2 triệu học sinh mỗi năm.
Cho đến nay, Bộ GD-ĐT đã thống nhất với các địa phương tổ chức 38 cụm thi liên tỉnh để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa để tuyển sinh ĐH. Các cụm thi này sẽ do các trường ĐH, CĐ đứng ra tổ chức, trông và chấm thi.
Ngoài ra, các địa phương cũng sẽ tự tổ chức các điểm thi cho khoảng 20% số học sinh THPT chỉ thi tốt nghiệp, mà không thi ĐH, CĐ, nhằm tránh cho các học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa phải đến các địa điểm thi tập trung do các trường ĐH và CĐ tổ chức.
Cũng theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có 125 trong số 400 trường ĐH và CĐ xét tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, dù thí sinh thi ở cụm tập trung hay ở địa phương. Còn 275 trường còn lại chỉ xét tuyển sinh từ kết quả thi ở 38 cụm thi tập trung. Điểm sàn tuyển sinh sẽ do Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, với quy chế thi này, quyền được học của học sinh và quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ đều được bảo đảm. Kết quả thi tốt nghiệp sẽ được cập nhật và công bố công khai trên Internet và các phương tiện truyền thông. Các trường sẽ đưa ra mức điểm tuyển sinh để học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn trường ĐH và CĐ mà mình sẽ theo học.
Bộ GD-ĐT ước tính, nếu như thực hiện cả 4 kỳ thi như trước đây cả ngân sách địa phương và Trung ương sẽ mất khoảng 1.400 tỷ đồng, còn nay chỉ còn khoảng 1/10. Đó là chưa kể từ 2-2,4 triệu thí sinh và người nhà không phải mất thời gian di chuyển về các thành phố lớn với chi phí hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi kỳ thi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT cần tính toán cẩn trọng về địa điểm bố trí 38 các điểm thi tập trung để giảm bớt khó khăn trong việc đi lại của học sinh và người thân. Đi cùng với việc đó, Bộ cần phải có phương án thanh, kiểm tra nghiêm túc, để hạn chế tình trạng các địa phương có đặt địa điểm thi vì lợi ích cục bộ địa phương mà thả lỏng việc trông thi. Bên cạnh đó, việc đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng cần được thực hiện chủ yếu qua mạng Internet, nhằm tránh cho thí sinh phải về các thành phố lớn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là đổi mới rất quan trọng vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Bởi từ nhiều năm nay, thi THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ là một vấn đề gây bức xúc trong xã hội và rất tốn kém chi phí, công sức của toàn xã hội. Việc tổ chức một kỳ thi đã tiếp cận được với mô hình tiên tiến của thế giới và nhận được sự đồng thuận cao. Đổi mới những vẫn đảm bảo quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đánh giá cao Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế thi THPT quốc gia; đồng thời yêu cầu Bộ cần phải nỗ lực hết sức để phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thì đầu tiên này thành công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT không được chủ quan mà cần dự báo được hết những khó khăn, phức tạp có thể nảy sinh để có phương án và giải pháp xử lý phù hợp. Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ GD-ĐT xây dựng một Đề án tuyên truyền để giải thích cũng như hướng dẫn cụ thể cho học sinh và người dân hiểu về những lợi ích cũng như những khó khăn và những việc cần phải làm trong kỳ thi này.
Thủ tướng đề nghị tất cả các cấp ủy, chính quyền địa phương và các phương tiện truyền thông phải tích cực tuyên truyền giải thích cho các em học sinh và gia đình, tránh tình trạng không hiểu, không biết mình phải làm gì theo quy chế thi, tuyển sinh mới. Còn lãnh đạo các trường ĐH, CĐ tham gia tổ chức các cụm thi phải đề cao trách nhiệm trong tổ chức kỳ thi, bảo đảm các điều kiện cho các cán bộ, giáo viên tham gia trông thi, chấm thi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện các quy định và phương án tổ chức thi sao cho hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần sớm công bố cơ cấu đề thi năm nay để học sinh chủ động chuẩn bị.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.