Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 12/09/2022 15:25 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn…

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị quyết của Chính phủ về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Đây là chủ đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế

“Thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó nhiều yếu tố bất lợi đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc”, Thủ tướng cho biết.

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa và lao động, chuỗi sản xuất đã và đang làm xáo trộn hoạt động sản xuất và đời sống. Áp lực lạm phát tăng cao, giá dầu mỏ, khí đốt và một số nguyên liệu đầu vào cơ bản biến động mạnh.

Các nước có những phản ứng chính sách khác nhau, trong đó có chính sách phòng chống dịch. Các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cực đoan hơn.

“Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập”, Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè đối tác quốc tế, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng (trong quý III, nếu không có thay đổi lớn thì dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt hơn 7%).

“Các cân đối lớn của nền kinh tế  được bảo đảm: Thu NSNN đáp ứng nhu cầu chi - thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4%; xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu gần 4 tỷ USD; cân đối lương thực – thực phẩm, cân đối năng lượng được bảo đảm; Thị trường lao động phục hồi; Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi ở cả 3 khu vực…”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - Ảnh 2.

Theo Thủ tướng, bất chấp những khó khăn, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng

Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định). Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc. WB, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam.

Tình hình còn rất khó khăn

Bên cạnh những mặt tích cực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhấn mạnh tình hình kinh tế còn rất khó khăn và xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi. 

Theo đó, nền kinh tế Việt Nam quy mô khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng có ảnh hưởng tới trong nước. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số giải pháp, chính sách có độ trễ trong triển khai. Thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro, vừa qua, đã tổ chức nhiều hội nghị về các thị trường này để điều tiết phù hợp và không siết chặt một cách bất hợp lý.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành vừa phải bám sát thực tiễn, trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - Ảnh 3.

Theo Thủ tướng, việc điều hành trong bối cảnh hiện nay vừa phải bám sát thực tiễn, trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam, các kinh nghiệm rút ra, quan điểm, định hướng mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản; đề xuất kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cấp bách, trước mắt cũng như lâu dài.

Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị, dự kiến sẽ ban hành ngay Chỉ thị của Thủ tướng để chỉ đạo các vấn đề cấp bách và sau đó ban hành Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo toàn diện hơn với cơ sở pháp lý cao hơn về nội dung này.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế đã có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa thì có khả năng sẽ đạt cao hơn ước tính ở thời điểm hiện tại. Đồng thời, Việt Nam vẫn giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái.

Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021; thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ; nền kinh tế ước xuất siêu 3,96 tỷ USD. Kết quả dự kiến cả năm cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, IMF và WB liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế GDP năm 2022 của Việt Nam lên lần lượt là 7% và 7,5%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước