Tại cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành vào sáng 2/8 để chuẩn bị các quyết sách mới nhằm tiếp tục duy trì được đà phục hồi của nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, dù còn gian khó nhưng cần bình tĩnh và lạc quan.
Trong tháng 7 vừa qua, mặc dù sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng chỉ tăng 3,6% so với tháng 6, nhưng tính chung tăng trưởng trong 7 tháng được 2,6%. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có trên 75.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao và số doanh nghiệp tạm ngừng chờ giải thể cũng giảm. Kết quả này cho thấy, các gói hỗ trợ về vốn vay ngân hàng và giãn, giảm thuế, phí đã có tác động tốt đối với doanh nghiệp.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 7 tăng được trên 4% so với cùng kỳ, nhưng nếu tính cả 7 tháng, chỉ số này vẫn giảm nhẹ. Xuất khẩu trong cả 7 tháng tiếp tục tăng, điều này cho thấy, các chuỗi sản xuất và cung ứng của Việt Nam với thế giới vẫn được đảm bảo. Trong khi đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng cao, đưa tổng số vốn giải ngân được từ đầu năm đến nay đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.
Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP
Ở lĩnh vực xuất khẩu, do dịch bệnh nên trong nửa năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu giảm tới một nửa. Tuy nhiên, do châu Âu đã kiểm soát được dịch bệnh và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và 27 nước châu Âu mới có hiệu lực thi hành, dự kiến xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng và kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng của Việt Nam sẽ đạt 24 tỷ USD, tăng thêm 1 - 2 tỷ USD so với những tháng vừa qua. Dù việc phục hồi hết sức khó khăn, có thể khẳng định kinh tế Việt Nam đã trụ vững. Tuy nhiên, thực trạng dịch COVID-19 mới xuất hiện trở lại ở thành phố Đà Nẵng đang tạo thêm thách thức mới. Do đó, Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức có thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại yêu cầu tiếp tục nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ "cỗ xe tam mã" để kéo nền kinh tế, đó là đầu tư, bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, đi cùng với tiêu dùng và xuất khẩu để kích thích tổng cầu. Thủ tướng cho biết, tại cuộc họp vào ngày 3/8, Chính phủ sẽ thảo luận và tiếp tục có các quyết sách mạnh mẽ để bảo đảm cả nước sẽ thực hiện được mục tiêu kép phòng chống được dịch COVID-19, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!