Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội

Trung Kiên - Lê Tuấn (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 09/11/2018 20:29 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

VTV.vn - Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sáng 9/11, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã họp phiên đầu tiên.

Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Tiểu ban có 51 thành viên, trong đó có: đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; cùng 5 Phó Thủ tướng Chính phủ các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và một số Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của Tiểu ban là xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm từ 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2021 - 2025. Trong đó bao gồm cả tổng kết đánh giá kết quả 10 năm, nhất là 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội này, để từ đó thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, bất cập, đi cùng với tìm ra nguyên nhân thành công hay không thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phát triển đất nước để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa này và với Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng nhấn mạnh nội dung văn kiện sẽ đưa ra định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước thập niên tới, nên phải đảm bảo tính khoa học, phục vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là không để đất nước bị tụt hậu xa hơn.

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây không phải là văn kiện kinh điển để lưu trữ mà là kế hoạch hành động, nên Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phải đổi mới phương pháp nghiên cứu và nội dung văn kiện. Các nhóm thuộc Tổ Biên tập của Tiểu ban như: kinh tế, văn hóa - xã hội, tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, pháp luật thanh tra và quốc phòng an ninh, đối ngoại cần huy động các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, nhóm chuyên gia tư vấn ở trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, đi cùng với tổ chức các cuộc hội thảo thậm chí đi nghiên cứu ở nước ngoài để xây dựng văn kiện súc tích, khoa học và sát với thực tiễn.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cần phải được lấy ý kiến của giới doanh nghiệp và nhân dân trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Nhiều vấn đề nóng được phân tích Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: Nhiều vấn đề nóng được phân tích

VTV.vn - Nhiều vấn đề nóng đã được phân tích trong 2 phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện các kế hoạch của nhiệm kỳ 2016 - 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước