Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: TTXVN
Chiều 6/11, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2021 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau khi Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10-5/11/2021.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tháng 10 có nhiều sự kiện quan trọng, cả đối nội và đối ngoại.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: TTXVN
Trong tháng 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 4; Quốc hội khóa XV tổ chức kỳ họp thứ 2. Phục vụ 2 sự kiện này, Chính phủ đã tích cực chuẩn bị nhiều tài liệu, báo cáo trình Trung ương, Quốc hội, tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh, trong đó chuẩn bị 54 báo cáo gửi Quốc hội. Các báo cáo tại đợt 1 kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được đánh giá là đạt chất lượng cao.
Trong tháng 10, chúng ta có nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38-39; dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
"Về đối nội, chúng ta có nhiều việc, đối ngoại cũng có nhiều việc, phải chuẩn bị chu đáo, kỹ càng", Thủ tướng nói. Trong tháng 10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Bộ Y tế ban hành Quyết định 4800 cụ thể hóa một bước Nghị quyết 128.
Kể từ khi ban hành (ngày 11/10) đến nay, các quy định của Nghị quyết 128 cơ bản phù hợp với tình hình. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, mặc dù "còn có việc này, việc kia chúng ta phải nhìn nhận, xem xét và bám sát, dựa trên thực tiễn để điều chỉnh từng bước một cách hiệu quả", Thủ tướng cho biết.
Chúng ta đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách "zero COVID", đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá kỹ thực trạng, những việc làm được và chưa làm được trong tháng 10 và 10 tháng qua, từ đó đề ra các giải pháp, những việc cần làm trong tháng 11, 12 - hai tháng quan trọng đối với phục hồi kinh tế, bảo đảm tăng trưởng, an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh: TTXVN
Đây cũng là thời gian Chính phủ chuẩn bị những đề án, nội dung quan trọng để báo cáo các cấp có thẩm quyền, như tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn từ nay đến năm 2025, về tăng trưởng xanh, hoàn thiện chương trình tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 và chương trình hồi phục kinh tế năm 2022-2023…
Tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm.
Chính phủ nghe, thảo luận Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư; xem xét báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP quý III/2021; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 10 và 10 tháng năm 2021.
Tập trung phân bổ vaccine để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 6/11, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tại Phiên họp Chính phủ vào chiều 6/11, Chính phủ đã nghe, thảo luận kỹ và thống nhất cao về các nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới; Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ thống nhất nhận định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ tham gia tích cực, chủ động nhân dân cả nước mà công tác phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng góp phần tạo động lực, niềm tin để phục hồi kinh tế xã hội.
Dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; số ca tử vong giảm sâu; số bệnh nhân khỏi bệnh tăng; tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh; cả nước từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu được mở cửa, phục hồi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao tính hiệu quả, linh hoạt và sự ưu việt trong cách tiếp cận cũng như các giải pháp phòng chống dịch của Việt Nam.
Với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt.
Các địa phương cần tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.
Bên cạnh đó, cần triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch: cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở. Đồng thời, phải thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.
Các địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine, bảo đảm có vaccine đầy đủ, nhanh nhất và hướng tới chủ động nguồn cung; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tập trung phân bổ vaccine để bao phủ 2 mũi cho các địa phương có dịch.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, nước ta đã tiếp nhận trên 123 triệu liều vaccine; tổ chức tiêm hơn 88,5 triệu liều, trong đó 1 mũi là trên 81,2%; 2 mũi là 37,3% đối với người từ 18 tuổi trở lên; bắt đầu tổ chức triển khai tiêm vaccien cho trẻ em dưới 18 tuổi, trước mắt tập trung tiêm cho lứa tuổi 16,17.
Thời gian tới, công tác mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vaccine cần bám sát nhu cầu thực tiễn; thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; ban hành mới hướng dẫn về dịch tễ để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam về nước; doanh nhân, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao...; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu có nhiều đóng góp, hy sinh.
Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chóng dịch, đặc biệt là các biện pháp thích ứng an toàn, nâng cao nhận thức thích ứng trong tình hình mới.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, lĩnh vực kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%; nhập siêu giảm mạnh so với 9 tháng.
Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống người dân nhìn chung ổn định (đã hỗ trợ gần 24,56 nghìn tỷ cho trên 26 triệu người; 5,16 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 12,37 nghìn tỷ đồng)…
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thi trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng. Đồng thời, cần tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công và khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!