Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển

TTXVN-Thứ tư, ngày 25/12/2024 18:24 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển, củng cố nền tảng vững chắc để đất nước phát triển già

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển, củng cố nền tảng vững chắc để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Các luật được xây dựng ngắn gọn, rõ ràng

Quán triệt tư tưởng đổi mới trong quy trình xây dựng pháp luật gắn với việc thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là phải "đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp" nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, là số lượng dự án luật cao nhất được thông qua tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Các luật ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật.

Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã rà soát, thống nhất cao về việc lược bỏ khỏi dự thảo luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; nghe những yêu cầu cần triển khai đối với các luật vừa được Quốc hội thông qua và một số kiến nghị về việc triển khai công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới.

Hội nghị cũng được giới thiệu một số nội dung trọng tâm, những điểm mới, đáng chú ý trong các luật và công tác chuẩn bị triển khai thi hành luật gồm: Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đấu thầu; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiếm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương thông tin về tác động của chính sách, pháp luật trong việc tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các đại biểu cũng thảo luận làm rõ thêm một số nội hàm của các luật, nghị quyết và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai, nhất là sớm ban hành các nghị định, hướng dẫn chi tiết và kế hoạch triển khai để các luật, nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.

Kết luận Hội nghị, đánh giá công tác xây dựng pháp luật thời gian qua được triển khai tích cực, đạt liệu quả cao, giải quyết các điểm nghẽn, với tư duy làm luật được đổi mới…, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển, củng cố nền tảng vững chắc để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Trong quá trình chỉ đạo, xây dựng các dự án luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chủ động, kịp thời báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về các vấn đề phát sinh, vấn đề lớn, quan trọng trong các dự án luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho phát triển - Ảnh 1.

Tại Kỳ họp thứ 8, ngoài 9 luật đã được Chính phủ trình Quốc hội theo quy trình 2 kỳ họp, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình 7 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết quan trọng, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Theo Thủ tướng, đây là những văn bản quan trọng, quy định nhiều chính sách mới, đột phá, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, những "điểm nghẽn" về thể chế, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.

Cùng với đó, công tác triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngay sau Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xác định rõ các nội dung được luật, nghị quyết giao quy định chi tiết; phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo và thời hạn trình, ban hành.

Để khắc phục tình trạng "tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp", Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ làm công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết để sớm đưa các quy định của luật, nghị quyết vào cuộc sống; đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách…

Cho rằng công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết đạt kết quả, có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, góp phần quan trọng vào những thành công này.

Nêu một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian tới khối lượng công việc cần thực hiện các luật, nghị quyết là rất lớn. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan có nhiệm vụ ban hành 130 văn bản với 569 nội dung quy định chi tiết; việc triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, Quy định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tuân thủ nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết. Đặc biệt lưu ý các luật, nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, 1/1/2025, 15/1/2025, 1/2/2025 và từ ngày 1/4/2025 để tránh tạo khoảng trống pháp lý, bảo đảm việc thi hành luật được thông suốt, thống nhất, bao trùm, toàn diện.

Chỉ rõ phải tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung của luật, nghị quyết và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ các quy định, từ đó tự giác chấp hành…, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường giám sát, kiểm tra phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi hành pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh, nhất là các bất cập liên quan đến thủ tục hành chính. Cần gắn kết chặt chẽ việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những quy định không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động vào cuộc, sớm ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương; xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành luật, nghị quyết.

"Tất cả vì lợi ích chung; không ngại về việc luật mới được ban hành đã phải sửa do luật không đi vào được cuộc sống; phải bỏ tư duy không quản được thì cấm; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa, với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; cương quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho, không tạo hệ sinh thái xin - cho dễ phát sinh tiêu cực; cương quyết cắt bỏ thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ, cản trở phát triển, tạo tâm lý không tốt cho người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân" và "coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, sự quyết liệt, quyết đoán", để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tổ chức triển khai thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, bộ, ngành ngay từ giai đoạn đầu trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi của các quy định trong các dự án luật, nghị quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành sau khi được thông qua. Tăng cường hoạt động giám sát trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những nội dung trái pháp luật, những vi phạm để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ động tham gia phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện luật, nghị quyết; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan của Chính phủ trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tổ chức triển khai thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được áp dụng nghiêm minh, đúng quy định; lồng ghép việc phổ biến pháp luật thông qua hoạt động truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân.

Bày tỏ mong muốn nhận được sự góp ý, đề xuất của người dân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, luật sư, nhà hoạt động thực tiễn trong xây dựng, thực thi pháp luật; với tinh thần thượng tôn pháp luật, với mục tiêu đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ chế thi hành pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật theo Nghị quyết số 27 của Trung ương…, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin rằng công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, hiệu lực, hiệu quả.

Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi", Thủ tướng kêu gọi sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, góp phần xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước