Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ liên quan tăng tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng để Ngân hàng Chính sách xã hội có thể mở rộng cho các hộ nghèo và cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
Sau 12 năm hoạt động, với mạng lưới từ Trung ương tới cấp xã tại gần 11.000 điểm giao dịch, đã có trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, đã có 3,6 triệu hộ thoát nghèo, đồng thời tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Cũng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có trên 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở 7 tỉnh miền Trung được xây dựng.
Bên cạnh đó đã có trên 100.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL và Tây Nguyên, gần nửa triệu căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở được xây dựng bằng nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách. Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những điểm sáng trong chính sách giảm nghèo. Nguồn vốn tín dụng này là nguồn lực nòng cốt để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của cả nước.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nợ quá hạn của ngân hàng này chỉ vào khoảng 0,41% và do ngân hàng phát huy hiệu quả cao trong xóa đói giảm nghèo, nên Ngân hàng Nhà nước đang đề nghị các địa phương huy động các nguồn vốn để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho các hộ nghèo vay để thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Nói chuyện với lãnh đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Ngân hàng Chính sách xã hội đã đóng góp thiết thực vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội là tập trung các nguồn lực của Nhà nước nhằm tạo bước đột phá trong chính sách tín dụng, tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững, góp phần cải thiện đời sống nhân dân gắn với hỗ trợ tín dụng đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn mới.
Từ các nhiệm vụ trên, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung rà soát đối tượng để tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá tiếp tục hỗ trợ thiết thực các đối tượng chính sách mà trước hết là hộ nghèo và hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay giải quyết nhà ở và tạo việc làm cho người nghèo.
Để tập trung nguồn lực hỗ trợ hiệu quả 3 nhiệm vụ chủ yếu của Ngân hàng Chính sách xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính và các Bộ liên quan xem xét tăng tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hàng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội lên 10%, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, tạo bước đột phá trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy, nhân rộng hiệu quả mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội xuống tận cơ sở và tổ chức giao dịch trực tiếp cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, học sinh và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập, hộ nghèo và đối tượng chính sách vay để xây dựng nhà ở, vay vốn giải quyết việc làm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.