Thủ tướng: Tiếp tục đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ thành quả phòng chống COVID-19 ở Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 24/06/2020 20:13 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống chống dịch COVID-19 vừa kết thúc vào chiều tối 24/6.

Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nhân, kỹ sư và công nhân tay nghề cao, cũng như người Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, song Chính phủ cũng kiên quyết bảo về thành quả phòng, chống dịch bệnh, không để làn sóng COVID-19 thứ 2 xảy ra ở Việt Nam. Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống chống dịch COVID-19, vừa kết thúc vào chiều tối nay.

Đến chiều nay, số người mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên đến gần 9,4 triệu người, trong đó, hơn 480 nghìn người đã tử vong. Bộ Y tế đánh giá, khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2 gấp từ 1.00 đến 1.000 lần so với SARS hồi năm 2003. Sau hơn nửa năm, động lực và tốc độ lây nhiễm của SARS-CoV-2 qua nhiều vòng lây nhiễm không yếu đi và khả năng biến đổi, tương thích với con người ngày càng cao nên khả năng lây nhiễm không giảm, đồng thời, không có khả năng xảy ra miễn dịch cộng đồng.

Cách đây 2 ngày, Tổ chức Y tế Thế giới đã ghi nhận mức tăng kỷ lục số người mắc COVID-19 trong 1 ngày là trên 183 nghìn người, còn hôm qua là gần 163 nghìn người. Trong khi đó, nguy cơ diễn ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn rất cao. Còn tại Đông Nam Á, đã có trên 130 nghìn mắc COVID-19, Singapore ghi nhận số người mắc cao nhất và Indonesia có người tử vong cao nhất.

Sau 69 ngày liên tiếp không ghi nhận người mắc mới tại cộng đồng, Bộ Y tế khẳng định chắc chắn ở Việt Nam hiên nay không có mầm bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Nhưng năm nay, sẽ không có khả năng kiểm soát COVID-19 trên toàn thế giới, nên Việt Nam cần có kế hoạch sống chung với dịch bệnh.

Trước tình hình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế và chính quyền các địa phương phải tiếp tục đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ được sức khỏe, tính mạng của người dân và thành quả phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Từ mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế phải luôn ở tình trạng báo động, sẵn sàng năng lực ứng phó để đáp ứng được các tình huống dịch bệnh xảy ra. Còn chính quyền các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến các biện pháp phòng bệnh chủ động như khuyến nghị người dân rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở nơi đông người. Nếu phát người dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng thì khoanh vùng dập dịch kịp thời.

Thủ tướng: Tiếp tục đề cao cảnh giác nhằm bảo vệ thành quả phòng chống COVID-19 ở Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét thời điểm mở lại chuyến bay thương mại với các quốc gia và vũng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời khẳng định lại quan điểm, Việt Nam tiếp tục đón các nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên gia và người lao động có tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam. Các địa phương không được được lấy lý do phòng dịch để gây khó khăn cho những người này. Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn địa điểm riêng biệt để đón các thương nhân, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn ngày để làm việc, đàm phán và ký các hợp đồng. Những người này khi vào các khu vực riêng biệt sẽ chỉ phải xét nghiệm nhanh mà không phải cách ly 14 ngày.

Đối với 13 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đáp ứng được các tiêu chí trong tổng số hơn 34 nghìn người đăng ký về nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Ngoại giao và Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường thêm các chuyến bay. Vì dự kiến, nếu mỗi tuần đưa được từ 1.500-1.600 người về nước, thì phải mất 45 chuyến bay và mất tới 2 tháng nữa. Đó là chưa kể 5.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài hết hợp đồng lao động cũng đang có nhu cầu về nước.

Song hành với các biện pháp để thực hiện mục tiêu phòng chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu cử các đoàn tới các quốc gia và vùng lãnh thổ đã hết dịch để thúc đẩy giao thương và đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 ở thực phẩm và động vật nhập khẩu. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ và địa phương phải có các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế của cả nước năm nay đạt từ 4-5%. Việc gỡ bỏ những ràng buộc và rào cản để thúc đẩy tăng trưởng sẽ tiếp tục là ưu tiên cao của Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay các doanh nghiệp đã được giãn, chậm nộp hơn 38 nghìn tỷ đồng tiền thuế, còn đến hôm qua, thu ngân sách trong cả nước đã đạt 40% dự toán và tình hình này, khả năng ngân sách nhà nước năm nay không xấu như dự báo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước