Né tránh tiếp công dân là không được
Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của Quốc hội chiều 5/11, đại biểu Hoàng Anh Công (tỉnh Thái Nguyên) nêu lên việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục việc chưa thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân của người đứng đầu.
Đại biểu Hoàng Anh Công (tỉnh Thái Nguyên)
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài, việc cần làm là rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không mà lại để xảy ra tình trạng này.
Thứ 2 phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân trong giải trình, thể hiện trách nhiệm của mình trước công dân.
"Né tránh là không được. Chúng ta đã có nhiều văn bản, quy định về tiếp công dân. Đề nghị các địa phương nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hành động, nhất là người đứng đầu. Đề nghị các đại biểu Quốc hội. Hội đồng nhân dân… tăng cường giám sát việc này" – Thủ tướng nêu rõ.
Còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh"
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng trân trọng, nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", tư tưởng làm ít sai ít.
Đại biểu tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về những vấn đề này cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, thành tích phát triển đất nước thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình vận hành, trưởng thành lớn lên cùng đất nước, chúng ta phải kiên trì hoàn thiện thể chế, dùng rất nhiều biện pháp để đơn giản bộ máy, tinh giản biên chế, thu hút người tài, cơ chế khuyến khích…
Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải rà soát, tổng kết một số nghị quyết của Đảng. Tinh thần chung là chỉ ra kết quả, bất cập để xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, tận tụy phục vụ Nhân dân, lấy xây là chiến lược về cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên.
Về vấn đề còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", Thủ tướng đánh giá tình trạng này đang từng bước được cải thiện nhưng phải tiếp tục kiên trì giải quyết bằng các biện pháp như động viên tinh thần, khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm phải nghiêm minh, công tác cán bộ phải dân chủ, phải công khai, minh bạch…
Nhờ vaccine và ý thức người dân, chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh
Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) nêu rõ, đại dịch COVID-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới.
Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai)
Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch COVID-19 cũng như khó khăn sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô là luôn hiện hữu và đặc biệt là sức ép từ lạm phát và cũng như khả năng là dịch chồng dịch.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể gì để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sau 2 năm chống COVID-19 - dịch bệnh chưa từng tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức, đến nay vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết được. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 sẽ thống nhất để tổng kết về dịch COVID-19 để rút ra được bài học kinh nghiệm, giải pháp cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình chống dịch, chúng ta đã xác định 3 trụ cột chính: xét nghiệm, cách ly, điều trị; công thức chống dịch: 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân cùng nhiều yếu tố khác.
Thủ tướng cho biết: "Trên thực tế đã làm đúng tinh thần này. Có 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virus này như thế nào, chúng ta phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Sau khi nhận thấy biện pháp hành chính rất khó thành công, vì vậy chúng ta đã thúc đẩy chiến lược vaccine cùng các thành tố khác. Có 2 thành tố quan trọng là vaccine và ý thức người dân thì chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh".
Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh quan điểm chống dịch: Đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết và chống dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Một bài học kinh nghiệm nữa được Thủ tướng khẳng định là với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã thành công. Thứ hai là với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khi gặp khó khăn, chúng ta đã biến nguy thành cơ. Cùng với đó là sự kết hợp với thời đại, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương và phải lấy người dân làm chủ thể trong phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng nêu giải pháp là hoàn thiện thể chế. Qua việc chống dịch, có thể thấy thể chế chúng ta còn thiếu, cần thiết kế luật bám sát thực tiễn bởi "pháp luật luôn trễ hơn thực tiễn".
"Quốc hội đã sáng suốt đưa ra Nghị quyết 30 để kịp thời xử lý vấn đề có liên quan đến thể chế để Chính phủ và các cơ quan đã tiếp tục triển khai. Hoàn thiện thể chế là vấn đề chúng ta cần thúc đẩy" – Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng cần tăng cường cho y tế cơ sở, y tế dự phòng: "Bình thường chúng ta không thấy quan trọng nhưng khi dịch trở nên phức tạp mới thấy y tế cơ sở, y tế dự phòng rất quan trọng". Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý cần rút ra bài học về yếu tố nguồn lực, cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!