Hôm nay (5/11) là ngày thứ 3 diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 3. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sau đó phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ 3.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra gồm:
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
+ Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.
+ Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân.
+ Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong sẽ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính nhóm vấn đề thứ 4. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phiên chất vấn ngày 5/11 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất
Trước phiên chất vấn, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra.
9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 52.466,4 tỉ đồng, 8.240,8 ha đất. Trong đó kiến nghị thu hồi 15.964,3 tỉ đồng và 147,1 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 36.502,1 tỉ đồng, 8.093,7 ha đất.
Cùng với đó, toàn ngành thanh tra đã ban hành 105.265 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.592,6 tỉ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.554 tập thể và 5.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 317 vụ, 199 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra và chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Thanh tra Chính phủ hiện đang triển khai thanh tra quản lý nhà nước về xăng dầu; chuẩn bị triển khai thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng...
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành thanh tra tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.440 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 61,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra trong kỳ).
Kết quả, các cơ quan chức năng đã thu hồi 1.089,0 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 60,3%), 10,2 ha đất; xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng; khởi tố 5 vụ, 3 đối tượng.
Báo cáo cho biết mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Đây là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra sẽ tập trung triển khai các cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước giao. Đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng qua thanh tra. Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!