Sáng 19/1, chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2022 để thảo luận, cho ý kiến về một số dự án luật và về đề nghị xây dựng một số luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, không ủy quyền cho cấp phó trong lĩnh vực quan trọng này, hàng tháng phải chỉ đạo rà soát lại các vấn đề vướng mắc, cần tháo gỡ, các vấn đề mới, nhạy cảm, phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành, những vấn đề chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng thực tiễn đã vượt qua.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành tiến hành sơ kết, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quy định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, yêu cầu phải đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và coi đây là đầu tư cho sự phát triển.
Thủ tướng đề nghị việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải được triển khai một cách kỹ lưỡng, chú trọng huy động trí tuệ tập thể, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, những người có kinh nghiệm thực tiễn, các đối tượng chịu tác động, người dân và doanh nghiệp, các đối tượng chịu tác động, người dân và doanh nghiệp để tạo đồng thuận cao, nâng cao chất lượng xây dựng luật đồng thời, làm tốt công tác truyền thông.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét cho ý kiến đối với 11 dự án luật và đề nghị xây dựng Luật, trong đó có dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!