Báo cáo do Tổ chức phát triển liên hợp quốc UNDP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp thực hiện. Báo cáo đã chia sẻ những phát hiện chính và khuyến nghị quan trọng để đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh ở mọi chiều cạnh và mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020.
Ông Johnathan pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp UNDP tại Việt Nam cho biết: ''Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi thước đo nghèo dựa trên thu nhập sang một thước đo nghèo đa chiều. Lý do là thước đo mới sẽ hỗ trợ được nhiều người hơn''.
Với chuẩn nghèo đa chiều mới (được phê duyệt năm 2021) tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 là 9,35%, đồng nghĩa với thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025.
Những kết quả đạt được nhờ vào tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội và mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Báo cáo cũng đưa ra 5 khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo.
Bên cạnh những tiến bộ, Việt Nam vẫn phải đối diện với những thách thức như tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo. Tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ COVID-19. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào dân tộc thiểu số như H'Mông, Khmer, Dao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!