Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19/2/1998, tại Cần Thơ. Ảnh:
Cao Phong - TTXVN
Đối với Trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu I, khi nhắc đến Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - sâu thẳm đáy lòng ông luôn kính trọng bởi đó là một nhà chính trị quân sự có tầm nhìn xa, trông rộng và cũng là người lãnh đạo đức độ, rất thương người lính.
Ấn tượng về ông Lê Khả Phiêu trong Trung tướng Phạm Xuân Thệ in đậm từ chiến dịch tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức vào mùa hè năm 1974. Thượng Đức ở Đại Lộc, Quảng Nam. Cách thành phố Đà Nẵng 40 km, là hệ thống phòng thủ kiên cố, liên hoàn, có chiều sâu, dựa vào thế hiểm yếu của địa hình. Cứ điểm này được ngụy quân, ngụy quyền đặt cho tên gọi "Mắt ngọc của đầu Rồng", là "cánh cửa thép" bất khả xâm phạm, là niềm tự hào, chỗ dựa đáng tin cậy của Vùng I chiến thuật, của căn cứ quân sự liên hợp miền Trung. Nhờ "mắt ngọc" này, quân địch có thể quan sát và đánh phá đường tiến quân của ta vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Hơn nữa, để tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng buộc quân ta phải phá được căn cứ này vì đây là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và sân bay Đà Nẵng.
Các năm 1968, 1969, rồi năm 1970, Quân khu 5 đã 3 lần tiến công Thượng Đức nhưng đều bất thành.
Theo ký ức của Trung tướng Phạm Xuân Thệ, tháng 5 năm 1974, khi Quân đoàn 2 được thành lập, ông Lê Khả Phiêu từ Quân khu Trị Thiên được điều về giữ chức Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn. Còn ông Thệ khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2. Thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đầu tháng 6 năm 1974, Sư đoàn 304 được chỉ thị vào phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở chiến dịch Thượng Đức.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các lãnh đạo TTXVN trong lần đến dự và phát biểu tại chương trình Giao lưu kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa Thông tấn xã Việt Nam với Sư đoàn Vinh Quang-Sư đoàn 304, ngày 15/4/2015. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
"Hôm đó ông Lê Khả Phiêu cùng cán bộ của Quân đoàn xuống trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn cũng như Trung đoàn 66. Không chỉ kiểm tra rất kỹ công tác tổ chức, chuẩn bị hành quân của Trung đoàn, ông còn đến từng tiểu đoàn, từng đại đội, trò chuyện nắm bắt tư tưởng của những người lính trước trận đánh lớn", Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.
Khi họp với ông Lê Khả Phiêu trước chiến dịch Thượng Đức, ông Thệ cũng như anh em cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 66 và Sư đoàn 304 đều nhận thấy, họ đang làm việc với một cán bộ chính trị cấp Quân đoàn nhưng nắm rất vững kiến thức quân sự. Họp bàn xây dựng phương án cụ thể đánh Thượng Đức, ông Lê Khả Phiêu tham gia vào từng cách đánh, từng tình huống và phương án tác chiến. Đối với ông, phương án tác chiến tại Thượng Đức đưa ra phải cụ thể, tỉ mỉ từ tấn công đến chống địch tái chiếm. Việc tổ chức trinh sát cứ điểm này phải nắm thật chắc từ địa hình tác chiến đến tình hình của quân địch trong bố trí binh lực, hỏa lực. Ông cũng yêu cầu đắp sa bàn tại khu vực họp và đề nghị bổ sung huấn luyện cho bộ đội trước trận đánh để sát với phương án tác chiến và thực tế. Ông nhiều lần nhấn mạnh với cán bộ, chiến sỹ chỉ có thực hiện tốt nhất, chu đáo nhất việc chuẩn bị cho chiến dịch thì khi mở đợt tấn công mới đạt hiệu quả cao nhất, nhanh chóng dành được thắng lợi và giảm thương vong cho cán bộ, chiến sỹ…
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tham quan Phòng truyền thống của TTXVN trong lần đến dự và phát biểu tại chương trình Giao lưu kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa Thông tấn xã Việt Nam với Sư đoàn Vinh Quang-Sư đoàn 304, ngày 15/4/2015. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
"Tôi rất nhớ câu nói từ trái tim và đầy tình thương yêu đồng đội, đồng chí của ông với chúng tôi khi bàn phương án đánh Thượng Đức. Ông bảo, các bà mẹ miền Bắc đã nuôi những người con đến khi họ trưởng thành lại giao cho quân đội để làm những người lính cho chúng ta chỉ huy trong các trận đánh. Chúng ta phải thay mặt những người cha, người mẹ, đồng bào chúng ta đảm bảo các chiến sỹ hoàn thành được nhiệm vụ mà quân đội giao cho nhưng cũng phải giảm thương vong cho anh em chiến sỹ, giảm đau thương cho những người mẹ, người cha", Trung tướng Phạm Xuân Thệ xúc động nói.
Ngày 28 tháng 7 năm 1974, chiến dịch Thượng Đức nổ ra và 8 giờ 30 phút ngày 7 tháng 8 năm 1974, lá cờ cách mạng do Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay giữa chi khu quận lỵ, báo hiệu chi khu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng cùng 4 xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Lộc Quang với hơn 13.000 dân. Sau đó, Sư đoàn 304 tiếp tục cùng lực lượng của Quân khu 5 đánh tan các đợt tái chiếm Thượng Đức của quân địch.
Chiến thắng chiến dịch không chỉ mang ý nghĩa tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức mà còn đánh quỵ lữ đoàn dù - một lực lượng được coi là thiện chiến bậc nhất nằm trong lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, đồng thời đập tan "cánh cửa thép", mở ra một bàn đạp quan trọng uy hiếp khu liên hợp quân sự của Mỹ - ngụy tại Đà Nẵng từ phía Tây. Hơn hết, chiến thắng chiến dịch Thượng Đức này đã làm cơ sở chính trị và quân sự góp phần quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975.
Chia sẻ, dù biết sinh tử là quy luật của tự nhiên nhưng khi đón nhận tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, Trung tướng Phạm Xuân Thệ không khỏi bất ngờ xúc động. Sâu thẳm đáy lòng Trung tướng đối với nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước là lòng kính trọng, những ký ức đẹp về một nhà chính trị quân sự có tầm nhìn xa, trông rộng và cũng là nhà lãnh đạo đức độ, giản dị và sâu sát, gần gũi với người lính, rất thương lính. "Thượng tướng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là thế. Ông không chỉ đã để lại những ký ức tốt đẹp cho những người có may mắn được gặp ông, làm việc với ông mà còn khơi gợi trong họ những ý nghĩ, hành động tích cực. Vì thế với những người đã từng được gặp ông, niềm tiếc thương càng thêm to lớn...", Trung tướng Phạm Xuân Thệ xúc động nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!