Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022
Thanh tra kiến nghị thu hồi về NSNN 26.654 tỷ đồng, 574 ha đất
Sáng 11/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022.
Ông Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, định mức chế độ trong các lĩnh vực ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), năm 2022 thu NSNN đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán; chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.
Về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.
Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2. Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 309 tỷ đồng (trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước 278 tỷ đồng). Tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.
Về hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên cả nước, nhu cầu mua sắm tăng.
Do đại dịch COVID-19 tác động, các hoạt động lễ hội hạn chế tổ chức, đặc biệt là các lễ hội có số lượng lớn người dân và du khách tham gia tập trung đông người để phòng, chống dịch, nhờ đó đã cắt giảm được đáng kể nguồn kinh phí. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…còn diễn biến phức tạp.
Trong năm 2022, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 8514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574 ha đất.
"Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực KTXH. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong THTK, CLP. Bên cạnh đó, kết quả THTK, CLP trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đã được phân tích, đánh giá" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong THTK, CLP năm 2022.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022
Kết quả, số kinh phí đã tiết kiệm được trong quản lý, sử dụng NSNN là 53.896 tỷ đồng; nhiều Bộ, ngành địa phương có số kinh phí tiết kiệm cao. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông vận tải được khắc phục, tốc độ giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước, tiết kiệm hơn 8.546 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bà Phạm Thúy Chinh đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, lãng phí.
Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo. Còn 31/51 Bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được chỉ ra tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.
Tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia chậm. Lũy kế giải ngân Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đến ngày 31/01/2023 là 46.871,8 tỷ đồng, chỉ đạt 70,7% tổng kế hoạch được giao; Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là 9.409,2 tỷ đồng, đạt 7,86% kế hoạch; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến thời điểm 31/12/2022 mới giải ngân 16.697,647 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề xuất, kiến nghị Chính phủ một số nhóm giải pháp. Trong đó, đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá, phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác THTK, CLP và các giải pháp khắc phục theo từng nội dung báo cáo.
Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giao vốn đầu tư; tổ chức thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán, quyết toán đúng tiến độ các công trình, các dự án quan trọng quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Nghiên cứu, có giải pháp, chính sách mạnh mẽ trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu DNNN chậm triển khai, vi phạm trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!