Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, đây không phải là lần đầu tiên thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, với nhiều lần sáp nhập, giải thể được tiến hành, cả ở trong khối nhà nước lẫn khu vực tư nhân.
Chính câu chuyện về sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước thời kỳ đầu đổi mới là minh chứng cho thấy tạo nên sự thay đổi chưa bao giờ dễ dàng. Tuy nhiên khi có quyết tâm chính trị cao, sự thay đổi ấy sẽ mang lại cơ hội phát triển cho từng cá nhân, cũng như đối với đất nước.
Chợ Cao Thắng - chợ nông sản lớn nhất ở Hà Nội, những năm trước Đổi mới, đây là nơi mà nhiều gia đình đã đến để kinh doanh khi hàng loạt nhà máy, xí nghiệp bị giải thể. Gia đình nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã trải qua những tháng ngày như thế.
"Khi đó mẹ tôi về hưu sớm, ông anh tôi, bà chị tôi hồi đó tuổi còn rất trẻ, nhưng cũng phải về một cục. Mẹ tôi lên đây mua các mặt hàng ở trên này về phố bán lẻ. Lúc đó bản năng sinh tồn trỗi dậy rất mãnh liệt. Lúc đó, cơ chế cũng tạo ra một điều kiện rất tốt, nhiều người có thể mở ra các cơ sở sản xuất nhỏ, mở ra công ty…, cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm, từ đó kinh tế có sự thay đổi khá ngoạn mục", nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ.
Đại hội VI của Đảng được coi là mốc khởi đầu của công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế ở nước ta. Nhiều giải pháp được triển khai, trong đó có việc sắp xếp lại hàng loạt doanh nghiệp nhà nước. Chặng đường gần 40 năm đổi mới đã cho thấy tính đúng đắn của chủ trương này.
"Để tồn tại lay lắt làm xói mòn tài nguyên của nhà nước. Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, cơ khí đã đưa vào diện phải sắp xếp, nên chúng tôi thấy rằng, việc sắp xếp rất đúng hướng, mới có những ngày như ngày hôm nay", bà Trịnh Thị Ngân (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội) nhận định.
"Chúng ta đã giải thể một lúc 6.000 doanh nghiệp nhà nước trong số 12.000 doanh nghiệp, tức là cuộc cải cách rất lớn. Còn 6.000 khác cũng tương tự, họ có một đợt tái cơ cấu lại, giảm số lao động, giảm chi phí tiền lương. Thời kỳ đó, theo tôi đánh giá là một thời kỳ cải cách gần như win - win cũng thắng cả, gần như không ai bị thua thiệt, dù rằng ra khỏi nhà nước. Thu hẹp khu vực nhà nước, nhưng đồng thời mình mở khu vực kinh tế tư nhân. Bài học đó chúng ta có thể học được hôm nay", TS. Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho hay.
Từ câu chuyện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước những năm đầu đổi mới cho đến tinh gọn bộ máy hôm nay, đó đều là sự đổi mới. Thay đổi chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng khi đã có tâm huyết, sự kiên định và cả dũng khí để thay đổi, đó mới là cơ sở cho việc khơi dậy nguồn lực, để đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!