Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường này là những kỷ lục trong công tác lập pháp từ trước tới nay.
Đáng chú ý, riêng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước và rất khách quan.
Các đại biểu cùng chung đánh giá, kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 đã thành công rất tốt đẹp, thông qua nhiều nội dung quan trọng, cho thấy tinh thần đoàn kết, đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ trong giải quyết các vấn khó, còn ý kiến khác nhau của công tác lập pháp.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc. (Ảnh: VGP)
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.
Theo các chuyên gia, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và đưa hai luật này vào cuộc sống sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc người dân, doanh nghiệp gặp phải hiện nay.
Có thể nói, những quyết định lập pháp tại Kỳ họp bất thường lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa chiến lược, căn bản, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước. Đây là một minh chứng sống động cho tinh thần lập pháp vì người dân, doanh nghiệp đang được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiến hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!