Tổ chức giải trình về vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật, nhiều hạn chế, yếu kém

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 26/01/2024 06:03 GMT+7

Ảnh minh họa: Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người

VTV.vn - Theo Nghị quyết của UBTVQH, vấn đề được giải trình được lựa chọn là vấn đề vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế.

Tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình

Ngày 25/1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết về hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Nghị quyết quy định nguyên tắc, phạm vi giải trình; tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình; nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình; trách nhiệm, quyền của người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; trình tự, thủ tục tổ chức hoạt động giải trình; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình; theo dõi, đôn đốc, báo cáo việc thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Theo đó, vấn đề được giải trình được lựa chọn theo một trong các tiêu chí sau đây:

- Vấn đề cụ thể, vụ việc xảy ra có tính thời sự, bức xúc, nổi lên trong thực tiễn đời sống xã hội; vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Dân tộc, thành viên Ủy ban của Quốc hội, dư luận, cử tri và Nhân dân quan tâm, đòi hỏi phải được làm rõ, giải quyết kịp thời để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Vấn đề xảy ra vi phạm pháp luật hoặc có nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục;

- Vấn đề đã ghi trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề hoặc kết luận vấn đề được giải trình, kiến nghị giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội nhưng thực hiện chưa hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Người được yêu cầu giải trình là thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Việc lựa chọn người được yêu cầu giải trình đối với phiên giải trình cụ thể phải là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Người được yêu cầu tham gia giải trình là đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cá nhân khác có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước hoặc có chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm giải quyết đối với vấn đề được giải trình.

Quyền và trách nhiệm của người được yêu cầu giải trình

Về trách nhiệm, người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước mà theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì chủ thể yêu cầu không thuộc diện được tiếp cận; báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát; thực hiện kết luận vấn đề được giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Người được yêu cầu giải trình có trách nhiệm tham dự phiên giải trình để trực tiếp báo cáo, giải trình những vấn đề mà thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham dự yêu cầu giải trình; trường hợp do sự kiện bất khả kháng không thể tham dự phiên giải trình thì có thể ủy quyền cho cấp phó của mình tham dự và phải gửi văn bản đến Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội nêu rõ lý do ủy quyền và người được ủy quyền chậm nhất là 05 ngày trước ngày tiến hành phiên giải trình. Trong trường hợp này, người được yêu cầu giải trình phải chịu trách nhiệm về những nội dung do cấp phó của mình báo cáo, giải trình tại phiên giải trình; cấp phó được ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước người đã ủy quyền về nội dung đã báo cáo, giải trình tại phiên giải trình.

Người được yêu cầu giải trình, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm về hành vi cản trở, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong kết luận vấn đề được giải trình.

Người được yêu cầu giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trách nhiệm giải trình được thông báo trước về thời gian, kế hoạch tổ chức, nội dung phiên giải trình, nội dung được yêu cầu giải trình, trả lời về vấn đề liên quan đến hoạt động giải trình.

Người được yêu cầu giải trình được giải trình, bảo vệ tính đúng đắn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình liên quan đến yêu cầu giải trình.

Người được yêu cầu giải trình cũng có quyền đề nghị Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xem xét lại nội dung dự thảo kết luận vấn đề được giải trình trước khi thông qua; trường hợp không tán thành với kết luận vấn đề được giải trình và có căn cứ xác định kết luận vấn đề được giải trình chưa khách quan, chưa đúng thực tế thì tự mình hoặc báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại kết luận vấn đề được giải trình.

Trình tự, thủ tục tiến hành phiên giải trình

Về trình tự, thủ tục lựa chọn vấn đề được giải trình, phạm vi, người được yêu cầu giải trình, việc lựa chọn vấn đề được giải trình, người được yêu cầu giải trình trong chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội được thực hiện như sau:

- Căn cứ tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình quy định và nguồn thông tin lựa chọn vấn đề được giải trình quy định của Nghị quyết này, Tiểu ban, Nhóm nghiên cứu đề xuất vấn đề được giải trình, phạm vi, người được yêu cầu giải trình;

- Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội xem xét, dự kiến vấn đề được giải trình, phạm vi, người được yêu cầu giải trình, trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quyết định trong chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội;

- Trường hợp vấn đề được giải trình có liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban khác của Quốc hội, thì cơ quan chủ trì tổ chức phiên giải trình trao đổi với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban có liên quan về việc phối hợp tổ chức hoạt động giải trình;

- Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban xem xét, thông qua chương trình giám sát năm sau của Hội đồng, Ủy ban, trong đó có dự kiến vấn đề được giải trình, phạm vi, người được yêu cầu giải trình.

Trường hợp do yêu cầu đột xuất của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công hoặc Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội thấy cần tổ chức phiên giải trình thì Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban quyết định vấn đề được giải trình, phạm vi, người được yêu cầu giải trình, báo cáo Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội đồng thời với việc triệu tập phiên giải trình.

Trình tự, thủ tục tiến hành phiên giải trình như sau:

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội chủ tọa phiên giải trình. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban điều hành từng nội dung trong phiên giải trình.

Phiên giải trình được tiến hành theo trình tự sau đây:

- Nêu lý do, giới thiệu chủ tọa và thành phần tham dự phiên giải trình;

- Chủ tọa nêu vấn đề yêu cầu giải trình, người có trách nhiệm giải trình;

- Thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham dự nêu yêu cầu giải trình;

- Người giải trình có trách nhiệm giải trình vấn đề được yêu cầu;

- Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham dự phiên giải trình phát biểu ý kiến;

- Chủ tọa tóm tắt nội dung phiên giải trình, dự kiến kết luận vấn đề được giải trình;

- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xem xét, thông qua kết luận vấn đề được giải trình theo quy định tại Điều 16 của Nghị quyết này.

Phiên giải trình phải được ghi biên bản và có thể ghi âm, ghi hình khi cần thiết theo yêu cầu của cơ quan chủ trì tổ chức phiên giải trình.

Kết luận vấn đề được giải trình được thông qua tại phiên giải trình.

Việc thông qua kết luận vấn đề được giải trình được thực hiện như sau:

- Chủ tọa phiên giải trình tóm tắt nội dung phiên giải trình, nêu dự kiến kết luận vấn đề được giải trình;

- Người được yêu cầu giải trình, người được yêu cầu tham gia giải trình phát biểu ý kiến (nếu có) về dự kiến kết luận vấn đề được giải trình;

- Các thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì tổ chức phiên giải trình xem xét, biểu quyết thông qua kết luận vấn đề được giải trình.

Hình thức biểu quyết thông qua kết luận vấn đề được giải trình được thực hiện bằng bỏ phiếu kín, bằng giơ tay hoặc bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước