Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn 50 chức danh lãnh đạo. Trong đó, bầu Chủ tịch Quốc hội, bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng thời xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025); Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (giai đoạn 2021-2025); Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.
Với tầm quan trọng đó, các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực hết sức để đảm bảo cả về nội dung lẫn công tác phòng chống dịch bệnh để kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả.
Vào ngày 20/7 tới đây, 499 vị đại biểu Quốc hội sẽ chính thức nhận nhiệm vụ của mình trước cử tri và nhân dân cả nước. Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh hoành hành, vì thế mọi nhiệm vụ, các quyết định quan trọng của đất nước càng phải được xem xét quyết định để nhanh chóng triển khai trong cuộc sống. Và theo lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quyết định các vấn đề quan trọng càng sớm sẽ càng thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đồng bộ. Do vậy tới đây, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khóa XV là rất lớn.
Với một Quốc hội mạnh mẽ, với một Chính phủ kiến tạo Việt Nam đã có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. (Ảnh: VGP)
Không giống như những nhiệm kỳ trước. Kỳ họp mở đầu cho nhiệm kỳ khóa XV diễn ra khi dịch bệnh COVID-19 đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Bắt đầu từ đêm 19/7, cùng với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, thêm 16 tỉnh thành phía Nam nữa phải thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Diễn biến của dịch bệnh đã trở nên khó định đoán. Chắc chắn, trong bối cảnh này, Quốc hội không thể đứng ngoài nhiệm vụ vừa chống lại dịch, vừa chuẩn bị các điều kiện để phục hồi và phát triển nhanh sau đại dịch.
Một nhiệm vụ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra, đó là phải sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII thành Luật pháp, cơ chế, chính sách để thực thi, qua đó đưa nhanh Nghị quyết vào cuộc sống. Nhất là khi Nghị quyết Đại hội, đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội phải tạo ra sự đột phá về thể chế, để có thể đặt nền móng cho đất nước đạt được những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.
Dịch bệnh bùng phát, phức tạp, nhiều chính sách đã phải được gấp rút thiết kế, triển khai, các phương pháp chống dịch liên tục được thực hiện, rút kinh nghiệm và điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn cũng như với nguồn lực của đất nước. Trong ngắn hạn, việc quyết định các chính sách như vậy cần có sự đóng góp ý kiến, giám sát của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Còn về lâu dài, các chính sách sau đại dịch, để tiếp tục tạo các hành lang pháp lý cho phát triển bền vững của đất nước sẽ ra sao? Câu trả lời nằm ở việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật trong thời gian tới, với trọng tâm là sự tham gia của các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Kết thúc bầu cử Quốc hội khóa XV, tỷ lệ đại biểu chuyên trách đạt 38,64%. Điều này được kỳ vọng về chất lượng xây dựng luật và chất lượng phản biện chính sách cũng như góp ý xây dựng chính sách.
Kỳ vọng về một nhiệm kỳ Quốc hội mới với những thay đổi cả về chất và lượng trong công tác làm luật là hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tinh thần Quốc hội kiến tạo phải được thể hiện rõ, phải có tính dẫn dắt, chủ động trong xây dựng danh mục xây dựng luật, pháp lệnh; cùng với đó, siết chặt kỷ luật kỷ cương trong xây dựng luật, pháp lệnh, cương quyết giữ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đồng bộ và chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!