Sáng 28/6, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn quy định điều kiện điều chỉnh quy hoạch mang tính chất vĩ mô với 6 trường hợp. Tuy nhiên, từ vướng mắc tại các địa phương, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các điều kiện điều chỉnh quy hoạch. Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quy định rõ hơn các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và mối quan hệ với các quy hoạch khác.
Ông Lê Hữu Trí, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Dự thảo Luật cần có các quy định yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn".
"Tôi đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia, với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, để tránh chồng chéo giữa các quy hoạch. Đề nghị xem xét quy định mức độ ưu tiên, mối quan hệ trong việc lập các loại quy hoạch đô thị và nông thôn, nhất là mối quan hệ giữa quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã và quy hoạch đô thị đối với các thị xã, thị trấn, đô thị mới" - ông Mai Văn Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết.
Cũng trong hôm nay, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Luật Thủ đô sửa đổi có nhiều điểm mới, trong đó, cho phép thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao; tập trung nguồn lực thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô.
Luật cũng quy định các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Theo Luật này, trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; hoặc sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.
Chiều nay, thảo luận phiên toàn thể về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, các đại biểu Quốc hội nhất trí quy định giao Bộ Công Thương lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm I. Bộ Xây dựng tổ chức lập, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản nhóm II.
Một số đại biểu đề nghị cân nhắc, đánh giá tác động quy định ưu tiên tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời gian 36 tháng, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản bởi có thể dẫn đến hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân khác, kéo dài thời gian đưa mỏ khoáng sản vào khai thác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!