Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường tiếp tục tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục chất vất nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sau đó phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán:
+ Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.
+ Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
+ Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chịu trách nhiệm trả lời chính. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn sáng 5/6 của Quốc hội được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp từ 8h00 đến 11h30 trên kênh VTV1 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.
Kiểm toán Nhà nước chuyển 19 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra
Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước khẳng định đã kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính - ngân sách, kế toán, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, tham ô, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản Nhà nước; giúp các đơn vị hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý của mình, đảm bảo quản lý, sử dụng tiền tài sản Nhà nước đúng pháp luật và có hiệu quả.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng cung cấp những thông tin xác thực về tình hình quản lý điều hành ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước và có nhiều kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ góp phần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách.
Theo số liệu cụ thể, trong quãng thời gian gần nhất (2019 - 2023), Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị trên 331.367 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách Nhà nước trên 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng).
Đáng chú ý, 663 báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.
Kết quả kiểm toán những năm gần đây cho thấy còn tồn tại, sai sót ngay từ khâu chuẩn bị dự án đầu tư, đến quyết toán dự án hoàn thành.
Các sai sót điển hình như thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư chậm, phê duyệt khi chưa có quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch; phê duyệt tổng mức đầu tư vượt chủ trương đầu tư; thiết kế cơ sở có hạng mục trùng lấn với dự án khác, thiết kế chưa phù hợp với tiêu chuẩn; thiết kế chưa hợp lý, không sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh bổ sung.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra còn nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài rất nhiều năm, giải ngân không đạt kế hoạch phải điều chỉnh nguồn vốn. Quyết toán dự án cũng chậm, thậm chí thanh toán khối lượng phát sinh chưa phù hợp; bù giá thiếu cơ sở, chưa đúng quy định.
Một số đơn vị quản lý chi phí, giá thành sản phẩm chưa chặt chẽ, định mức sản xuất kinh doanh chưa phù hợp thực tế; khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép hoặc khai thác vượt trữ lượng cấp phép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!