Trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản: Nguyên nhân do đâu?

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 15/08/2023 12:51 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết có tình trạng tài sản trong thi hành án dân sự đã đấu giá nhưng chưa giao được do liên quan quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.

Giao tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự đang gặp khó khăn

Vấn đề đấu giá tài sản đã làm "nóng" nghị trường trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp sáng 15/8 với nhiều câu hỏi chất vấn và tranh luận từ các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (tỉnh Thanh Hóa) nhấn mạnh, công tác đấu giá tài sản, nhất là tài sản công còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận tham gia đấu giá khó khăn, có tình trạng trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản, đặc biệt là trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (tỉnh Thanh Hóa) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có tình trạng trong thi hành án dân sự, tuy đã được thực hiện đấu giá, nhưng chưa giao được. Số liệu thống kê cho thấy, trong những tháng đầu năm 2023, trong thi hành án dân sự có gần 2.000 vụ đấu giá, trong đó mới chỉ giao được hơn 1.300, còn hơn 600 vụ chưa giao được.

Về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng Long cho rằng, đấu giá tài sản và thi hành án dân sự chỉ là 2 lĩnh vực pháp luật được áp dụng quy định về giao tài sản đấu giá. Còn có các quy định liên quan đến đất đai, quản lý tài sản công… nên 2 lĩnh vực này là chưa đủ, mà phải tính đến quy định pháp luật trong lĩnh vực khác.

Trưởng ngành Tư pháp cũng nêu ví dụ có những vụ bán đấu giá đến 6 lần nhưng không ai mua do nhiều yếu tố khác nhau.

Trong khi đó, trình tự thủ tục đấu giá hiện hành chưa có quy định đặc thù cho tài sản thi hành án dân sự. Bộ Tư pháp cũng đã có kiến nghị sửa đổi trong Luật Đấu giá tài sản và sắp tới là Luật Thi hành án dân sự.

Một nguyên nhân nữa là tâm lý e ngại khi mua tài sản thi hành án của người dân. Chưa có cơ chế hợp lý để phối hợp sự tham gia của các chủ thể trong vấn đề này.

Về giải pháp, Bộ trưởng Long nhấn mạnh lại sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự. Cùng với đó, cần cố gắng vận hành tốt cơ chế cơ quan Ban chỉ đạo thi hành án ở các cấp, tạo sự đồng thuận.

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Tất Hiếu (tỉnh Vĩnh Phúc) nêu ra thêm những khó khăn trong giao tài sản đấu giá liên quan đến thi hành án dân sự. Theo đó, thời gian qua có những trường hợp có vi phạm của cơ quan thi hành cưỡng chế, kê biên tài sản, tuy nhiên quy trình đấu giá tài sản thì đúng.

Trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Tất Hiếu (tỉnh Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Hiếu cho rằng cơ quan vi phạm cần có trách nhiệm phải bồi thường cho người bị cưỡng chế, kê biên tài sản và đề nghị Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan cân nhắc phương án hủy kết quả đấu giá tài sản đối với những trường hợp có vi phạm.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc giao tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự đang gặp những khó khăn. Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ đạo chung trong hệ thống thi hành án dân sự là những việc đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, quy định của pháp luật thì khó cũng phải thực hiện.

"Vấn đề ở đây là có sai phạm của người thi hành án. Bộ đã liên tục siết chặt kỷ luật kỷ cương, thành lập những đoàn kiểm tra, huy động cơ quan thanh tra vào cuộc, chấn chỉnh những sai phạm. Đối với những vi phạm của đội ngũ chấp hành viên thuộc lỗi chủ quan, cần kiên quyết xử lý, thậm chí huy động sự vào cuộc của các cơ quan khác, đảm bảo người sai phạm phải bồi thường sai phạm, chịu trách nhiệm trước Nhà nước" – ông Lê Thành Long nhấn mạnh.

Trưởng ngành Tư pháp cũng cho rằng khi sửa luật phải có những quy định cụ thể để khi có ý kiến của cơ quan thanh tra, hoặc ý kiến của các cơ quan liên quan thì sẽ sử dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay.

Quy định chặt chẽ để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá

Liên quan đến tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) chỉ ra việc một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kĩ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của tình trạng trên là gì và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; đồng thời cho biết thêm định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 3.

Đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết trong 5 năm từ 2018 đến 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau, thanh tra đã thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Lê Thành Long làm rõ, trong pháp luật về đấu giá, quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá. Tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của Đảng. Hiện nay, khi đi vào hành nghề, đối với nghề đặc thù như thế này cần phải được đào tạo và nắm được kỹ năng hành nghề.

Trúng đấu giá nhưng không giao được tài sản: Nguyên nhân do đâu? - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) lại nêu ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá tài sản diễn ra ở một số nơi, làm thất thoát tài sản của nhà nước; một số cán bộ phận đấu giá viên tiêu cực đã bị xử lý. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết đâu là nguyên nhân của tình trạng này.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong dự thảo Luật Đấu giá tài sản và các dự thảo luật khác có nghiên cứu để sửa đổi giải quyết những vướng mắc. Bộ Tư pháp cũng đang tiếp tục tham mưu cùng các bộ, ngành để hạn chế dẫn đến tình trạng mà các đại biểu đã nêu như tình trạng "quân xanh", "quân đỏ" trong đấu giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước