Ngày 1/3 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923- 1/3/2023). Trải qua nhiều vị trí công tác như nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là 10 năm là Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, vị trí khiến ông được ví như một trong những kiến trúc sư góp phần làm nên "Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại".
Trong chiến dịch "Mở đường thắng lợi", đội công trình 2 công trường giao thông 67 Quảng Bình nhận nhiệm vụ ở những nơi gian khổ nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời gian Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Văn Sắc-TTXVN
Đường 20, đoạn từ biên giới Việt Nam - Lào, vượt sông Ta Lê đến đèo Phu La Nhích thuộc tỉnh Khăm Muộn vẫn còn nguyên trạng. Trong toàn bộ 5 trục dọc và 21 trục ngang của hệ thống đường Trường Sơn thì đường 20 là trục ngang có mật độ bom đạn trên 1km đường thuộc loại cao nhất. Tuy nhiên, hệ thống đường Trường Sơn chưa bao giờ ngưng hoạt động.
Đường Trường Sơn ra tiền tuyến trong những năm tháng bị máy bay Mỹ liên tiếp đánh phá. Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 (1967-1975) là giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh. Từ những con đường mòn nhỏ, đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành tuyến vận tải lớn để vận chuyển quân lương, vũ khí chi viện cho chiến trường lớn miền Nam. Ảnh: Văn Sắc-TTXVN
Đây là kết quả của tư tưởng mang tính đột phá của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, tiến công "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", thể hiện qua việc mở khẩn cấp những tuyến bí mật gọi là đường kín (tức đường K).
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn vận tải 101, Bộ đội Trường Sơn. Ảnh: TTXVN
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tuyến vận tải Trường Sơn bị đánh phá ác liệt. Hàng và xăng không vào được chiến trường đã đặt Bộ Tư lệnh 559 trước những thử thách nghiêm trọng. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đề nghị Quân ủy Trung ương xây dựng tuyến đường ống xăng dầu xuyên Trường Sơn, mà sau này được gọi là "đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn".
Đường Trường Sơn đã khép lại sứ mệnh sau 16 năm hoạt động nhưng lịch sử sẽ mãi khắc ghi những cống hiến của một vị Tư lệnh đã cùng với đồng đội của mình tạo nên một tuyến vận tải chi viện chiến lược, góp phần dệt nên những kỳ tích của thế kỷ XX.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!