Truyền hình trực tiếp Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội

VTV News-Thứ hai, ngày 09/01/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14h00 ngày 9/1.

Hôm nay (9/1) là ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về:

Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan;

Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên bế mạc.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu tham dự phiên bế mạc Kỳ họp.

Quốc hội sau đó biểu quyết thông qua một số dự án Luật, Nghị quyết quan trọng:

- Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

- Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc Kỳ họp.

Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14h00 ngày 9/1 để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Đảm bảo Quy hoạch tổng thể quốc gia có chất lượng cao nhất có thể

Trước đó, vào ngày 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đa số đại biểu tán thành với dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đánh giá cao Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội.

Truyền hình trực tiếp Phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm ngày 7/1

Cho rằng việc sớm thông qua là cấp bách, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ các mục tiêu để đảm bảo bản Quy hoạch này được thông qua có chất lượng cao nhất có thể.

Các đại biểu cho rằng việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ nhưng đã được chuẩn bị triển khai công phu, trách nhiệm, bám sát quy định của Luật Quy hoạch, kết luận của Trung ương và các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.

Đánh giá cao chất lượng, một số đại biểu cho rằng dự thảo Quy hoạch vẫn còn các nội dung mang tính định tính như phấn đấu đạt dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tính kết nối, khả năng cạnh tranh quốc tế cao, vì vậy, cần có thêm các mục tiêu định lượng hoặc một khung mục tiêu.

Liên quan đến hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, nhiều đại biểu cũng tiếp tục đề xuất thêm các giải pháp để hoàn thiện các nội dung này.

Có đại biểu kiến nghị đây là lần đầu tiên xem xét thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia, do vậy, sau 5 năm Chính phủ tiến hành sơ kết và sau 10 năm thì Chính phủ tiến hành tổng kết để báo cáo Quốc hội.

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đảm bảo cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch, theo đó, quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước, phạm vi cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này đã bám sát tinh thần Luật.

Do đó, các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn, tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm đúng tinh thần này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết sẽ cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP để thực hiện các mục tiêu của 2021-2030. Nguồn lực này sẽ được huy động từ Nhà nước, tư nhân, đối tác công tư (PPP), đầu tư nước ngoài.

Rà soát kỹ các mục tiêu quy hoạch tổng thể quốc gia Rà soát kỹ các mục tiêu quy hoạch tổng thể quốc gia

VTV.vn - Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước