Cho rằng việc sớm thông qua là cấp bách, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ các mục tiêu để đảm bảo bản Quy hoạch này được thông qua có chất lượng cao nhất có thể.
Các đại biểu cho rằng việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là công việc khó, phức tạp, chưa có tiền lệ nhưng đã được chuẩn bị triển khai công phu, trách nhiệm, bám sát quy định của Luật Quy hoạch, kết luận của Trung ương và các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Đánh giá cao chất lượng, một số đại biểu cho rằng dự thảo Quy hoạch vẫn còn các nội dung mang tính định tính như phấn đấu đạt dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tính kết nối, khả năng cạnh tranh quốc tế cao, vì vậy, cần có thêm các mục tiêu định lượng hoặc một khung mục tiêu.
Liên quan đến hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, nhiều đại biểu cũng tiếp tục đề xuất thêm các giải pháp để hoàn thiện các nội dung này.
Có đại biểu kiến nghị đây là lần đầu tiên xem xét thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia, do vậy, sau 5 năm Chính phủ tiến hành sơ kết và sau 10 năm thì Chính phủ tiến hành tổng kết để báo cáo Quốc hội.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết sẽ cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP để thực hiện các mục tiêu của 2021-2030. Nguồn lực này sẽ được huy động từ Nhà nước, tư nhân, đối tác công tư (PPP), đầu tư nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!