Trước lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử, một di sản quý giá. Với chỉ hơn 1.000 chữ, nhưng gói ghém tình cảm chân thành, sự quan tâm đặc biệt, những suy tư, mong ước của Người đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bè bạn quốc tế.
55 năm đã trôi qua, bản Di chúc của Bác không chỉ là ngọn đuốc soi đường đối với sự phát triển đất nước, mà còn thấm đượm tinh thần đoàn kết quốc tế.
Chính đường lối hội nhập, đổi mới ngày nay của chúng ta đã hiện thực hóa tinh thần đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đem lại nhiều kết quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong Di chúc của Người, tinh thần đoàn kết quốc tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới là "khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình".
Tinh thần đoàn kết quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc không chỉ là sự kêu gọi đoàn kết giữa các quốc gia trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, mà còn là tầm nhìn chiến lược về một thế giới hòa bình, nơi các dân tộc giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan 1957. (Ảnh: Tư liệu)
"Tôi đánh giá cao về việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tâm nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong Di chúc, đó là giữ gìn, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Cơ chế hợp tác toàn diện đúng như tinh thần của Hiệp ước Hữu nghị "Hợp tác Việt Nam - Lào" đã giúp Lào ổn định trên nhiều lĩnh vực. Có thể nói đây là một mối quan hệ trong sáng, thủy chung, mẫu mực và hiếm có trên thế giới", TS. Bountheng Souksavatd, (nguyên Viện trưởng Viện Thông tin và Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Kinh tế, Xã hội Quốc gia Lào) nhận định.
Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, quan hệ Đối tác chiến lược với 11 quốc gia khác, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.
Các học giả quốc tế nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên tính thời sự, tính khoa học và thực tiễn.
"Tôi cho rằng Hồ Chí Minh đã và sẽ vẫn còn là một biểu tượng của ngoại giao Việt Nam. Ông ấy biết khi nào đánh, khi nào đàm. Ông ấy rất giỏi tìm cách cân bằng, thậm chí tranh thủ quan hệ với các nước lớn. Khi nghiên cứu về phương cách của ngoại giao Việt Nam ngày nay, tôi vẫn thấy những điều đó", Giáo sư Pierre Asselin (Đại học San Diego, Mỹ) đánh giá.
"Những định hướng ngắn gọn của Hồ Chí Minh rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại có trách nhiệm của Việt Nam. Điều này giúp cho cộng đồng quốc tế hình thành nên một niềm tin đặc biệt vào chính sách đối ngoại của Việt Nam, vào các nhà chính trị Việt Nam, luôn đặt lợi ích hòa bình, thịnh vượng và ổn định lên hàng đầu", Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, khẳng định.
55 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam luôn thực hiện chủ trương "Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai", "kiên định đường lối thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi hoàn cảnh", "góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới", đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!