Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh duyệt đội danh dự. (Ảnh: TTXVN)
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ từ ngày 30/9-1/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan và Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun-Erdene.
Nhân dịp này, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mông Cổ.
VTV Times xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
1. Nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ, nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm đã thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ từ ngày 30/9-1/10/2024.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan và Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun-Erdene.
2. Lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ tăng cường mở rộng mạnh mẽ trong suốt 70 năm qua; trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng phát triển quan hệ song phương thời gian tới và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
3. Phía Mông Cổ khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn phát triển mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Mông Cổ, tôn trọng chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, rộng mở, tự chủ và đa trụ cột của Mông Cổ, chính sách "láng giềng thứ ba" và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
4. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới; nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên "Đối tác toàn diện" và tiếp tục thúc đẩy mở rộng hợp tác, cụ thể như sau:
I. Tăng cường hợp tác chính trị
5. Hai bên nhất trí tăng cường hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp thông qua các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; nhất trí ủng hộ về mặt chính sách mở rộng quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước; nghiên cứu khả năng thiết lập cơ chế hợp tác mới giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước.
6. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giữa các Cơ quan lập pháp, trong đó phát triển hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn, nhóm nghị sỹ, nghị sỹ trẻ và nữ nghị sỹ tương xứng với khuôn khổ quan hệ mới; thúc đẩy ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội thay thế Thỏa thuận đã ký năm 2018.
Chiều 30/9, tại Cung Nhà nước ở thủ đô Ulan Bator, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene. (Ảnh: TTXVN)
7. Hai bên nhất trí duy trì hiệu quả cơ chế Tham khảo chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao; thường xuyên trao đổi về hợp tác song phương, chính sách đối ngoại, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; nghiên cứu hình thức thiết lập cơ chế đàm phán đa phương.
II. Mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh và thực thi pháp luật
8. Hai bên đánh giá cao những tiến triển mới trong hợp tác quốc phòng và an ninh thời gian gần đây; nhất trí tiếp tục duy trì gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp.
9. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục mở rộng hợp tác giữa các lực lượng vũ trang và cơ quan thực thi pháp luật hai nước.
10. Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký, đẩy nhanh thủ tục đàm phán tiến tới ký kết các hiệp định trong lĩnh vực an ninh, phòng chống tội phạm; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin tội phạm liên quan; phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề liên quan tới lợi ích và an ninh quốc gia hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. (Ảnh: TTXVN)
III. Mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư
11. Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế thực chất, hiệu quả và toàn diện; duy trì các cơ chế hợp tác kinh tế song phương, trong đó có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật; nhất trí tăng cường vai trò của Hội đồng Doanh nghiệp hai bên thông qua hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối hợp tác doanh nghiệp trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Mông Cổ.
12. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nghiên cứu các giải pháp phù hợp cải thiện môi trường đầu tư; xem xét ký mới Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư.
IV. Thúc đẩy hợp tác thực chất về các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, lao động, môi trường và bảo trợ xã hội
13. Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí đẩy mạnh hiện đại hóa chương trình hợp tác nông nghiệp trong khuôn khổ Bản ghi nhớ giữa Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp ký năm 2022.
14. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi chính sách, định hướng, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp hai bên; tạo môi trường pháp lý xuất khẩu các sản phẩm nguồn gốc nông nghiệp có thế mạnh của hai bên; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
15. Hai bên nhất trí thúc đẩy hiện thực hóa các thỏa thuận/cam kết trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ, trong đó có cơ chế Tiểu ban Khoa học và Công nghệ; tăng cường hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo và thông tin truyền thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!