Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giải quyết 20.000 kiến nghị của cử tri, 214 vụ việc phức tạp

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 15/03/2021 12:02 GMT+7

VTV.vn - Các ủy viên UBTVQH thống nhất đánh giá, nhiệm kỳ khóa XIV đã thành công; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri và nhân dân giao phó.

Tổ chức thành công 2 kỳ họp Quốc hội theo hình thức kết hợp

Sáng 15/3, tại Phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày Báo cáo tóm tắt công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.

Trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới chỉ đạo, điều hành việc chuẩn bị cho 11 kỳ họp, bảo đảm việc triệu tập, tổ chức thực hiện chương trình, tổng kết kỳ họp theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến chương trình kỳ họp được sắp xếp, bố trí hợp lý, gửi xin ý kiến đúng thời hạn, nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc chuẩn bị các nội dung bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giải quyết 20.000 kiến nghị của cử tri, 214 vụ việc phức tạp - Ảnh 1.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày các báo cáo. Ảnh: TTXVN

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, lựa chọn phương án tổ chức 2 kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung và đã diễn ra rất thành công, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, góp phần đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, triển khai khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện, kịp thời giải quyết những vấn đề mới do thực tế đặt ra, góp phần quan trọng vào thành tựu chung trong hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giải quyết 20.000 kiến nghị của cử tri, 214 vụ việc phức tạp - Ảnh 2.

Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. theo hình thức trực tuyến

Hoạt động lập pháp tiếp tục được chú trọng đổi mới, cải tiến về quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, tiếp thu, giải trình góp phần nâng cao chất lượng dự án, dự thảo khi trình Quốc hội.

Hoạt động giám sát ngày càng được tăng cường với nhiều đổi mới. Việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác được thực hiện kịp thời, hiệu quả, mang tính toàn diện, giải quyết những vấn đề khó, phức tạp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, chỉ đạo và chủ trì tổ chức thực hiện chương trình giám sát bảo đảm đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm và linh hoạt, phù hợp với thực tế, đạt mục tiêu đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại 5 phiên họp, lựa chọn các nhóm vấn đề nổi cộm, bức xúc, được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; lần đầu tiên tiến hành chất vấn, giám sát lại đối với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018; giám sát 7 chuyên đề với nhiều cải tiến về cách thức tổ chức, tiến hành hoạt động của Đoàn giám sát; tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến tháng 8/2020. Qua đó đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; góp phần triển khai có hiệu quả luật, nghị quyết của Quốc hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao việc chuyển, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đối với 20.164 kiến nghị của cử tri được gửi đến trước và sau các kỳ họp Quốc hội; chỉ đạo tiếp nhận, nghiên cứu, xử lý kịp thời các đơn, thư gửi đến các cơ quan của Quốc hội, yêu cầu các địa phương xem xét, giải quyết lại đối với 214 vụ việc, nhất là vụ việc phức tạp, kéo dài; tổ chức nhiều đoàn giám sát tại địa phương, các bộ, ngành và xây dựng các báo cáo để trình Quốc hội.

Về xem xét, quyết định tổ chức bộ máy, nhân sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành các quy trình, thủ tục để trình Quốc hội bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh trong bộ máy Nhà nước bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ, tạo được sự đồng thuận cao.

Công tác nhân sự được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm đúng quy định, góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Các hoạt động đối ngoại được triển khai hiệu quả, chủ động, liên tục, nhất quán, có tính sáng tạo, đổi mới cao, để lại dấu ấn tốt đẹp, nâng cao vai trò và vị thế của đất nước. Công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan. Phương thức hoạt động, lề lối làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới.

Kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri chưa đi sâu vào thực chất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo giải quyết 20.000 kiến nghị của cử tri, 214 vụ việc phức tạp - Ảnh 3.

Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Trình bày Báo cáo tóm tắt công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn những hạn chế nhất định: Tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu chưa được khắc phục; tính ổn định của chương trình làm việc thường kỳ chưa cao; một số nội dung được bổ sung sát phiên họp làm ảnh hưởng đến chất lượng xem xét, thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có lúc chưa quyết liệt, còn tình trạng bổ sung vào chương trình một số dự án gần khai mạc kỳ họp; việc chỉ đạo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội trong một số trường hợp còn chưa đầy đủ; việc bố trí, sắp xếp thời gian thảo luận một số nội dung trong chương trình kỳ họp có lúc chưa sát thực tế… hiệu quả của công tác giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân chưa cao.

Bên cạnh đó, kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri chưa đi sâu vào thực chất, thiếu cơ chế kiểm soát và bảo đảm hiệu quả thực hiện kiến nghị cử tri; hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn trong một số trường hợp chưa đi vào thực chất; việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất về thực hiện giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong triển khai hoạt động đối ngoại còn chưa nhịp nhàng, nguồn nhân lực tham gia, phục vụ công tác đối ngoại còn hạn chế so với yêu cầu tình hình mới, công tác thông tin đối ngoại chưa được đầu tư bài bản.

Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau đây: trách nhiệm của một số Ủy ban trong việc tham gia thẩm tra một số dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa thực sự quyết liệt; nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa thực sự sâu sắc, thống nhất; còn thiếu ý kiến tham gia hoặc có sự nể nang trong việc phản biện, thẩm tra.

Việc chấp hành các bước trong thực hiện một số quy trình, thủ tục còn chưa nghiêm túc, đầy đủ, mang tính hình thức; chưa xem xét thấu đáo một số nội dung chính sách khi lập dự án đưa vào chương trình; chưa chú trọng, quan tâm thực sự về tính toàn diện khi đánh giá tác động chính sách, sự cần thiết ban hành, tính khả thi và khả năng dự báo của một số dự án.

Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, nhận thức và thực thi pháp luật còn chưa thống nhất, khó thực hiện; việc xem xét trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong việc trình dự án, dự thảo không bảo đảm tiến độ, chất lượng còn chưa được thực hiện nghiêm

Hoạt động giám sát, nhất là giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước có những điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Công tác điều hòa, phối hợp, thông tin hoạt động đối ngoại chưa được chú trọng, quan tâm đầy đủ; công tác nghiên cứu chiến lược và thông tin đối ngoại chưa được đầu tư thỏa đáng.

7 bài học kinh nghiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV

Theo bản báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, chủ động quán triệt, vận dụng sáng tạo, kịp thời quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hai là, đề cao trách nhiệm của mình trước Quốc hội và Nhân dân, bảo đảm phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong tập thể, xác định rõ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh quyết định hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ba là, coi trọng và tăng cường phối hợp có hiệu quả với các cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là yếu tố quan trọng tạo nên kết quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bốn là, coi trọng tính chuyên nghiệp trong hoạt động lập pháp, định hướng chính sách rõ ràng ngay từ khi lập đề nghị là chìa khóa quan trọng cho chất lượng của hoạt động lập pháp.

Năm là, tập trung làm tốt công tác giám sát, bảo đảm vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác điều hòa, phối hợp, chuẩn bị nội dung hoạt động giám sát của Quốc hội.

Sáu là, việc tăng cường kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác tham mưu phục vụ; phát huy đổi mới, sáng tạo, kịp thời đề xuất sửa đổi và hoàn thiện các quy định, quy chế làm việc là cơ sở quan trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng.

Bảy là, đổi mới hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động, hiệu quả, linh hoạt theo đúng phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân.

Phát biểu tại phiên họp, các ủy viên UBTVQH thống nhất đánh giá, nhiệm kỳ khóa XIV đã thành công; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, cử tri và nhân dân giao phó; góp phần quan trọng vào thành công chung của đất nước, như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Bên cạnh đó, UBTVQH cũng góp nhiều ý kiến cụ thể để hoàn thiện các dự thảo báo cáo trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11.

Hôm nay (15/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về công tác nhân sự để trình Quốc hội Hôm nay (15/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về công tác nhân sự để trình Quốc hội

VTV.vn - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành họp trong 1 ngày để xem xét, cho ý kiến về một số nội dung trong đó có công tác nhân sự để trình Quốc hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước