Ủy viên Trung ương không tái cử có thể được xem xét bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trong Chính phủ

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 03/03/2021 06:02 GMT+7

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

VTV.vn - Ban Cán sự Đảng Chính phủ được Bộ Chính trị giao xây dựng phương án giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận chức danh lãnh đạo trong Chính phủ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3, phóng viên đã hỏi về việc Bộ Chính trị giao Chính phủ giới thiệu Chính phủ mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã từng bước kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Đảng.

Dự kiến, ngày 24/3 tới sẽ khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Trong chương trình nghị sự, ngoài các chương trình khác còn có vấn đề kiện toàn các chức danh Nhà nước. Như vậy, việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước sau Đại hội Đảng toàn quốc là việc từng bước làm theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Trong thời điểm này, Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ xây dựng phương án giới thiệu nhân sự đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đảm nhận chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan mà ở đó, các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng không tái cử hoặc có tái cử nhưng thay đổi vị trí công tác.

Ủy viên Trung ương không tái cử có thể được xem xét bổ nhiệm chức danh lãnh đạo trong Chính phủ - Ảnh 1.

Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh: VGP

Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV có thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các cơ quan thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

"Như vậy, chỉ bàn đến chỗ nào khuyết, chỗ nào thay đổi. Quyết định là thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Sau này sẽ thông tin cụ thể về kết quả của kỳ họp và kết quả sẽ được công bố sau khi được cấp thẩm quyền phê chuẩn" – ông Mai Tiến Dũng nói.

Cùng trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, chức danh bộ trưởng là do thẩm quyền Bộ Chính trị quyết định. Về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục thì Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Toà án nhân dân và Luật tổ chức Viện kiểm sát.. quy định rất rõ.

"Tại phiên họp thứ 53 của UBTVQH cũng đã thông báo có chương trình kiện toàn một số chức danh Nhà nước tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Khi cấp có thẩm quyền có thông tin chính thức, Bộ Nội vụ sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói.

Dự kiến, Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021, bế mạc vào ngày 7/4/2021 và dự phòng 1 ngày (8/4/2021).

Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước.

Vì đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ nên những phiên họp quan trọng sẽ tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV Kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV

VTV.vn - Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước