Việt Nam - Campuchia trân trọng lịch sử, rộng mở tương lai

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 23/12/2021 21:08 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mở ra tương lai phát triển thịnh vượn giữa hai nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ kéo dài 30 tiếng nhưng đã mang lại kết quả toàn diện ở các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế.

Điều quan trọng hơn cả là từ lịch sử của mối quan hệ giữa hai nước và hiện tại, chuyến thăm đã góp phần quan trọng vào việc củng cố sự tin cậy về chính trị để cùng hợp tác và cùng mở ra tương lai phát triển thịnh vượng.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia nằm trong chuỗi các hoạt động đối ngoại trong nhiệm kỳ mới của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, "tạo thế đan xen lợi ích" và "tăng độ tin cậy", giúp củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Nguyên thủ nước ngoài đầu tiên tới thăm Campuchia kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Hoàng gia Campuchia đã chào đón Chủ tịch nước với những nghi lễ trọng thể nhất, cùng với tình cảm nồng hậu và thân tình. Như lời Quốc vương Norodom Sihamoni, chuyến thăm sẽ "thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị gần gũi, láng giềng tốt đẹp, truyền thống lâu đời giữa hai nước". Còn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với tình hữu nghị thắm thiết, đoàn kết keo sơn, hai nước sẽ mãi không chia rời.

Việt Nam - Campuchia trân trọng lịch sử, rộng mở tương lai - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni tại Cung điện Hoàng gia Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ Hoàng gia mà Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ và các vị đứng đầu Phật giáo Campuchia đều đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trọng thị, thắm đượm tình anh em. Và đều khẳng định Campuchia luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam trong công cuộc giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979.

Với sự tin cậy về chính trị được đúc kết qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nên tại các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Quốc vương Norodom Sihamoni hay với Chủ tịch Thượng viện Say Chum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và với các lãnh đạo chủ chốt của Đảng nhân dân Campuchia và tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Hun Sen và các thành viên trong Chính phủ Campuchia, hai bên đều nhất trí cao trong giải quyết các vấn đề trước mắt, cũng như những định hướng cho quan hệ, hợp tác giữa hai nước dựa trên 2 trụ cột lớn là chính trị, an ninh-quốc phòng, trong đó có phân giới cắm mốc nốt 16% đường biên giới trên đất liền, sau khi đã hoàn thành 84% cách đây hơn 3 năm.

Ở trụ cột hợp tác kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo Campuchia cũng nhất trí đẩy mạnh triển khai Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư và Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần để tiếp đà cho dòng vốn đầu tư của Việt Nam đang hồi phục. Còn để thúc đẩy thương mại, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí đẩy nhanh ký Hiệp định Thương mại biên giới và sẽ sớm hoàn tất Quy hoạch tổng thể về Kết nối hai nền kinh tế đến năm 2030. Bởi năm nay, kim ngạch thương mại song phương có thể đạt gần 10 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 5 tỷ USD mà 2 Thủ tướng đặt ra cách đây vài năm. Việt Nam hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và là nước mua nông sản nhiều nhất của Campuchia.

Việt Nam - Campuchia trân trọng lịch sử, rộng mở tương lai - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. (Ảnh: TTXVN)

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Campuchia. Nhất là trong lịch sử gian khó, rất nhiều người Việt Nam hy sinh để cả 2 nước có được như ngày hôm nay. Điều này đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Phnom Penh vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Campuchia đang chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày Thủ tướng Hun Sen sang Việt Nam tìm đường cứu nước và 43 năm ngày thoát khỏi họa diệt chủng.

Là 2 nước láng giềng sông, núi liền dải, trên con đường phát triển với mục tiêu của Việt Nam tới 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao, còn Campuchia lvào 2050, chắc chắn cả 2 nước sẽ có thêm những đối tác mới. Thế nhưng, điều không thể thay đổi: Việt Nam và Campuchia sẽ luôn là 2 nước láng giềng gần gũi. Lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự chủ ở cả hai nước đã cho thấy, chỉ khi đoàn kết, tin cậy, cùng ủng hộ và cùng giúp đỡ nhau, hai nước mới có thể cùng phát triển. Lịch sử này sẽ còn được đề cập trong chuỗi các hoạt động của Năm hữu nghị 2022, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mà chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là sự kiện mở đầu. Để qua đó, hai nước sẽ càng thêm trân trọng lịch sử, tăng cường tin cậy để rộng mở cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước