Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì Họp báo Bộ Ngoại giao tháng 10. Ảnh: TTXVN
Ứng phó COVID-19 sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN
Chiều 21/10, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra theo hình thức trực tuyến, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết vấn đề ứng phó với COVID-19 có được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 từ ngày 26-28/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, ứng phó COVID-19 là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị lần này.
Theo đó, các nước sẽ sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vaccine cho các nước thành viên, phấn đấu có lô vaccine đầu tiên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022; đồng thời tiếp tục vận động đóng góp cho Quỹ và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN.
Cũng theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, dự kiến tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ công bố Danh mục vật tư y tế trị giá 5 triệu USD mà Việt Nam đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN.
Hướng đến các nỗ lực phục hồi, ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp triển khai hiệu quả Khung phục hồi tổng thể và kế hoạch thực thi. Ngoài ra, các nhà Lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, tiếp tục trao đổi về khả năng hình thành các thỏa thuận tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử.
Việt Nam tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp nước ngoài tháo gỡ khó khăn
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển trạng thái hiện nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Với các biện pháp phòng, chống dịch vừa qua, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đang dần được kiểm soát và từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu. Ảnh: TTXVN
Theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu đạt được ngay trong năm 2021, đưa chính sách chống dịch quy về một mối trên toàn quốc, phá vỡ tình trạng đóng băng trong hoạt động kinh tế-xã hội. Chính phủ cũng đang tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, thành lập tổ công tác đặc biệt xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
"Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tháo gỡ các khó khăn, tạo lập môi trường bình thường mới, khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc, yêu cầu địa phương không ban hành thêm và bãi bỏ các quy định không phù hợp", Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết thêm, tính đến ngày 20/9/2021, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn đăng ký cấp mới có tới 1.200 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 12,5 tỷ USD. Tuy số lượng dự án giảm 3,78%, song tổng số vốn đăng ký lại tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư và đã gia tăng quy mô dự án tại Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!