Đây là kết quả từ Kỳ họp Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể của UNESCO lần thứ 9 tại Paris ngày 6/7.
Trong tổng số 12 nước được bầu làm thành viên thay thế cho nhiệm kỳ 2022-2026, có 4 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ và Bangladesh. Đây là nhóm có sự cạnh tranh gay gắt nhất.
Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 gồm 24 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm trong giám sát thực thi công ước, đề xuất các biện pháp bảo vệ di sản phi vật thể, hỗ trợ quốc tế, xem xét các hồ sơ đệ trình ghi danh… để Đại hội đồng Công ước thông qua.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của UNESCO. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong phê chuẩn và thực thi Công ước, từ đó, khẳng định uy tín và đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.
Việt Nam hiện có 14 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh: "Điều này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.
Việc trúng cử lần này là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong những năm vừa qua".
Cùng với việc Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025, trở thành thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng.
Sự kiện này khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!