Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: TTXVN)
Chiều nay (14/3), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và Thường trực Ban Chỉ đạo đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực này để cho ý kiến vào Đề cương chi tiết của Đề án.
Sau hơn nửa năm tích cực triển khai, đến nay, đã hình thành được quan điểm tổng thể về xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Sau 2 cuộc hội thảo quốc gia vào tháng 11 năm ngoái và tháng 1 vừa qua, các cơ quan được giao cũng đã hoàn thành 27 chuyên đề nhánh có chất lượng với hàng nghìn trang tài liệu, để từ đó chắt lọc xây dựng nội dung của Đề án. Trong Đề cương chi tiết của Đề án, bước đầu cụ thể hóa được các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền, nguyên tắc, tổ chức và vai trò của Nhà nước pháp quyền trong thúc đẩy xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đề cương cũng hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức, quan điểm của Đảng, cùng với tổng kết các nội dung cơ bản và cơ chế hoạt động của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong hàng chục năm qua. Phần quan trọng của Đề cương là các đột phá, các định hướng để thực hiện các đặc trưng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các định hướng này từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng ý với đánh giá của các nhà khoa học là nhờ có sự chỉ đạo sát sao và thực hiện quyết liệt, nên tiến độ xây dựng Đề án đang được đảm bảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Thường trực Ban chỉ đạo, các cơ quan tham gia xây dựng 27 chuyên đề nhánh, Tổ biên tập và các nhà khoa học giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, đã hết sức trách nhiệm trong xây dựng một Đề án lớn của Đảng và cũng là một một công trình khoa học phục vụ sự phát triển lâu dài của đất nước. Bởi xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không thể lấy kinh nghiệm của nước ngoài áp dụng vào Việt Nam nhưng cũng phải đảm bảo những giá trị phổ quát. Tuy nhiên, ở giai đoạn quan trong này, các nhà khoa học phải đưa ra được các đột phá, cải cách cụ thể với tầm chiến lược để xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và điều kiện thực tiễn của đất nước trong tám năm nữa khi Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từ nay đến khi trình Đề án lên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương chỉ còn nửa năm, do đó, trong quá trình xây dựng dự thảo lần 1 của Đề án, Tổ biên tập và các nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước phải tổ chức những cuộc tọa đàm chuyên sâu để tiếp tục chỉ ra được những mặt được và chưa được trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời đưa ra những điểm mới, những giải pháp đột phá ở tầm chiến lược, có cơ sở khoa học, với những bước đi phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Chủ tịch nước nhất trí với đánh giá, 2 Hội thảo quốc gia về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa qua đã lan tỏa và kích hoạt tư duy của xã hội đối với một trong những nhiệm vụ quan trọng được Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra. Do đó, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tập trung tổ chức thành công hội thảo quốc gia lần thứ 3 vào giữa tuần này để các nhà khoa học tiếp tục góp ý các giải pháp đột phá cho Đề án. Đồng thời cần làm tốt hơn công tác phổ biến và giới thiệu về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!