Để Đà Nẵng phát huy vai trò đầu tàu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Sáng 31/5, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Nghị quyết được xây dựng trên 4 quan điểm sau:
(1) Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm quán triệt, tuân thủ các quy định của Hiến pháp 2013, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội.
(2) Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có luật điều chỉnh. Thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đã đạt kết quả tại Nghị quyết số 119/2020/QH14; bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương. Việc ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
(3) Việc đề xuất các cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của Thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, tương đồng với các địa phương, được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, nhất là tạo ra động lực mới, đột phá để tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
(4) Thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho Thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 Chương với 18 Điều. Các nội dung của chính sách trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng như sau: (1) tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2019/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; (2) đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An
Về nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Chí Dũng cho biết, Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên 4 quan điểm chỉ đạo:
(1) Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị;
(2) Việc đề xuất các cơ chế, chính sách dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của tỉnh;
(3) Các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, Quốc hội;
(4) Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu dự phiên họp
Đáng chú ý có 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An. Cụ thể:
Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 Dự thảo Nghị quyết);
Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 Dự thảo Nghị quyết);
Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 Dự thảo Nghị quyết);
Chính sách 4: Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 Dự thảo Nghị quyết).
Cơ chế đặc thù của từng tỉnh nên phù hợp với từng địa phương
Chiều 31/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Thảo luận tại tổ 1, đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng, đồng thời đóng góp một số ý kiến vào phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thảo luận
Về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, hiện nay có 10 tỉnh, thành phố trong cả nước được thí điểm cơ chế đặc thù, vì vậy cần xem xét, đánh giá các chính sách đặc thù để xem xét, thực hiện việc thí điểm cho phù hợp.
Đại biểu Lê Nhật Thành đề nghị bổ sung tờ trình của Chính phủ về đánh giá thực tiễn của các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù thời gian qua, trong đó có nội dung triển khai chính sách khai thác, phát triển quỹ đất đô thị tại để dự báo những vấn đề phát sinh, là cơ sở bổ sung quy định tại dự thảo Nghị quyết. Đối với đề xuất thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất, bổ sung nội dung quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do như: quy hoạch, môi trường…
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị rà soát lại 2 dự thảo Nghị quyết với các quy định pháp luật hiện hành, một số chính sách đã được pháp luật hiện hành quy định thì không nên quy định lại tại dự thảo Nghị quyết (như khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù tỉnh Nghệ An). Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để rà soát và quy định cơ chế chính sách đặc thù một cách tổng thể tại 2 dự thảo Nghị quyết, trong đó có quy định về việc đề xuất tăng cường bộ máy và biên chế cho thành phố Vinh (Nghệ An); về quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường tại dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù thành phố Đà Nẵng… đảm bảo nguyên tắc tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước và tạo sự bình đẳng với các địa phương khác.
Đại biểu Khuất Việt Dũng cho rằng cơ chế đặc thù của từng tỉnh thì nên phù hợp với từng địa phương, Chính phủ cần bổ sung đánh giá cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành tại các địa phương và bổ sung giải trình các ý kiến còn khác nhau tại báo cáo thẩm tra.
Đối với việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 các chỉ số đều đạt được tích cực: thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán; chi thấp hơn so với dự toán, trong đó, thâm hụt ngân sách thấp, bội chi bằng 3,07% GDP, nợ công giảm, thấp nhất trong vòng 15 năm qua. Song bên cạnh đó vẫn còn tồn tại trong việc chấp hành ngân sách như: còn nợ xây dựng cơ bản từ các năm trước và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới năm 2022; còn 12 địa phương chưa trình HĐND ban hành Nghị quyết điều chỉnh quyết toán NSNN năm 2022…
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai tổng hợp các ý kiến thảo luận của đại biểu để giao tổ thư ký tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!