Đây là dự luật cung cấp khung pháp lý thống nhất dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên, hướng đến bảo đảm tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Các đại biểu tán thành sự cần thiết phải ban hành luật, các nội dung mới như: biện pháp xử lý chuyển hướng thay hình phạt, hay quy trình thủ tục tố tụng thân thiện phù hợp với độ tuổi, tâm lý cho người chưa thành niên, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung này.
"Điều 36 có 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, đến bây giờ tôi nghĩ rằng quy định thành luật rồi thì rất hay, có khi chỉ xin lỗi bị hại. Lâu nay các cháu đánh nhau mà phạt tù thì nặng quá, nhiều khi bỏ học tội nghiệp cho các cháu, mà không xử lý thì không được", ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
"Tôi cho rằng, việc có thủ tục tố tụng thân thiện là rất cần thiết. Tuy nhiên, đối với đối tượng là trẻ chưa thành niên, chúng ta cần chú ý đến những người tham gia quá trình đó. Trong đây chúng ta mới chỉ xây dựng quy trình, chưa quy định rõ về thái độ, hành vi...", bà Lý Tiết Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nêu ý kiến.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần quy định trách nhiệm cụ thể của cha mẹ trong hình thức phạt tiền đối với trẻ chưa thành niên chưa có tài sản đảm bảo, hay trách nhiệm của cha mẹ, người thân trong các biện pháp giám sát điện tử.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và các báo cáo về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!