Xử lý sai phạm trong đăng kiểm nhưng không được ảnh hưởng đến người dân

PV-Thứ tư, ngày 08/03/2023 20:32 GMT+7

Ảnh minh hoạ.

VTV.vn - Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an chiều 8/3 để xử lý tình trạng ùn tắc trong hoạt động đăng kiểm.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cả nước hiện có 61/281 Trung tâm Đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động, trong đó có 53 Trung tâm Đăng kiểm tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 Trung tâm Đăng kiểm do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, 22/31 đơn vị đăng kiểm với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 9 Trung tâm Đăng kiểm với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động khiến tình trạng ùn tắc đăng kiểm ngày càng nghiêm trọng. Khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định xe của người dân chỉ đạt khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí, có tháng chỉ đạt khoảng 30%.

Thông tin về một số kết quả điều tra bước đầu tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết, đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một số bộ, ngành đã kiến nghị giải pháp cần tập trung thực hiện để đưa hoạt động đăng kiểm sớm trở lại bình thường, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Xử lý sai phạm trong đăng kiểm nhưng không được ảnh hưởng đến người dân - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT huy động, điều phối nhân lực “chi viện” cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông, tính mạng cho người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và trình độ và thuộc trách nhiệm của nhà nước.

Vừa qua việc điều tra, xử lý của Bộ Công an là hết sức cần thiết và kịp thời trong bối cảnh phương tiên giao thông mất an toàn, công tác quản lý về phương tiện giao thông bị buông lỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng của người tham gia giao thông. Qua việc khởi tố điều tra đã xác định được rõ những sai phạm, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, xử lý, nhằm thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước với người dân.

"Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Xử lý sai phạm trong đăng kiểm nhưng không được ảnh hưởng đến người dân - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực đăng kiểm nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân - Ảnh: VGP

Trước các ý kiến từ phía các Bộ GTVT và Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc cung cấp các dịch vụ công, trong đó có hoạt động đăng kiểm, là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với người dân. Những sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, một số trung tâm đăng kiểm là hết sức nhức nhối, ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người dân.

Trong một thời gian dài, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định tuy nhiên việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải còn diễn ra rất tuỳ tiện, chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật.

Vì vậy, chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân; đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hoá hoạt động đăng kiểm.

Nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng. Tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TPHCM, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ.

Bộ Công an trong quá trình xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm; tiếp tục phân hoá các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp nhất là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động của các trung tâm kiểm định; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên…

"Sau cuộc họp hôm nay, các đồng chí phải làm ngay, phải thay đổi ngay, không thể để tình trạng như thế này được", Phó Thủ tướng nêu rõ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước