Thế giới đã bước sang năm 2020, với những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu, bầu không khí hạ nhiệt của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc hay sự lên ngôi của làn sóng công nghệ thông minh làm thay đổi mọi ngóc ngách cuộc sống. Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ World Politics Reviews, trong năm nay, thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức mang tính bước ngoặt, thậm chí rơi vào khủng hoảng.
NGUY CƠ PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Trong số những nguy cơ tiềm ẩn mà con người phải đối mặt, bóng ma chiến tranh hạt nhân có lẽ vẫn là điều tồi tệ nhất. Các diễn biến trong năm 2019 đã cho thấy quan ngại về vũ khí hạt nhân giờ đây lại gia tăng.
Cuộc đua hạt nhân ngày càng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, các diễn biến bất lợi liên tiếp trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên cũng như việc Mỹ rút khỏi cả Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) lẫn Thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến "bóng ma" phổ biến vũ khí hạt nhân trỗi dậy tại nhiều khu vực trên thế giới.
NGUY CƠ KHẨN CẤP VỀ MÔI TRƯỜNG
Các nước đã ký Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu sẽ tham dự COP 26 vào tháng 11/2020 ở Scotland. Sau thất bại của Hội nghị COP 25 tại Madrid (Tây Ban Nha) năm 2019, COP 26 sẽ là cơ hội cuối cùng để cứu vãn Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện tiến trình rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu lịch sử này, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 4/11/2020, 1 ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Động thái này liệu có thể đảo ngược hay không còn tùy thuộc vào kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng.
LÀM MỚI VAI TRÒ CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Cũng trong năm 2020, LHQ sẽ bước sang tuổi 75. Đại Hội đồng bị đánh giá là thiếu khả năng thực chất để giải quyết các xung đột quy mô toàn cầu. Hội đồng Bảo an bị chia rẽ vì sự cạnh tranh lợi ích.
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và cạnh tranh địa chính trị leo thang, dẫn tới nhiều chia rẽ và bất đồng, LHQ sẽ gặp khó khăn trong việc đương đầu với những nguy cơ mới như chiến tranh không gian mạng cũng như thể hiện được vai trò trong một thế giới với nhiều tổ chức đa phương.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2020 cũng sẽ là sự kiện mang tính bước ngoặt, quyết định diễn biến của hàng loạt vấn đề quốc tế; trong đó có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đàm phán thương mại Mỹ - châu Âu, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran và hàng loạt hồ sơ nóng tại Trung Đông.
Những thách thức với LHQ và yêu cầu cải tổ bộ máy của cơ quan này là câu chuyện không phải bây giờ mới được đặt ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu trở nên phức tạp, chủ nghĩa dân túy và hành động đơn phương có nguy cơ trỗi dậy tại một số quốc gia, những tranh cãi liên quan đến vai trò và hiệu quả hoạt động của LHQ càng trở nên nóng hơn.
Nhằm tăng cường vai trò của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, vừa qua, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã đưa ra Sáng kiến "Đối thoại toàn cầu" hay UN75, mục đích là nhằm thu thập ý kiến và các khuyến nghị nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.
Đối tượng trọng tâm sẽ là những người trẻ và các nhóm chưa tham gia các hoạt động cũng như diễn đàn LHQ. Các ý kiến đóng góp sẽ được tập hợp và Tổng Thư ký Guterres sẽ trình bày trước các nhà lãnh đạo thế giới tại sự kiện cấp cao vào tháng 9 tới. Đây cũng là sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ. Tại đây, ông Guterres sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của các nước cho lộ trình phát triển LHQ trong 25 năm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!