10h ngày 11/12, website bán vé của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) được mở đánh dấu khoảnh khắc người dân trong thời đại 4.0 đầy kiên nhẫn tìm vận may trên website công nghệ 0.4 của VFF.
10h mở bán, 10h10 hết vé, 10h11 web sập. Nỗi buồn không mua được vé cũng thúc đẩy cư dân mạng truy tìm lý do. Phải chăng VFF đã quá tự tin vào năng lực của đối tác?
Hi vọng đã không thành hiện thực. Nhiều người lạc quan hài hước, nếu làm một phép so sánh, website bóng đá trực tuyến của VFF hẳn là trang thương mại điện tử hiệu quả nhất thế giới khi hàng chục ngàn vé bán hết veo chỉ trong chớp mắt, không thua kém gì các trang TMĐT nổi tiếng như Alibaba hay Amazon.
Tuy nhiên, không phải ai cũng là người lạc quan và giữ được cho mình sự bình tĩnh. 1 mất 10 ngờ, 1 ngờ thì 10 tội. Khi quá trình bán vé không như ý, đó cũng là lúc các tranh cãi nổ ra.
Sau những đợt vừa mở bán đã kết thúc, dư luận cũng dấy lên những nghi ngờ về tính minh bạch của việc bán vé online của VFF. Có hay không việc thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật hay vé được tuồn ra chợ đen để bán? Suy cho cùng, đó là hệ lụy của việc VFF không thông tin một cách rõ ràng, minh bạch đã khiến tạo kẽ hở cho dư luận chưa hiểu rõ vấn đề hay cố tình xuyên tạc.
Các chuyên gia cho rằng, việc công bố thông tin một cách bài bản, rõ ràng không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ của VFF. VFF cần phải biến đây là phương châm và triết lý hoạt động của tổ chức chứ không phải việc bán vé khi người hâm mộ đang lên cơn sốt là một sự đương nhiên và không cần thiết ban bố thông tin.
Thậm chí, ngay cả khi nghi vấn website bán vé của VFF bị hacker tấn công, đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp thoả đáng từ phía người trong cuộc.
Khi vé xịn không săn được, nhiều người đành tự an ủi mình với những tấm vé tự chế đầy hài hước. Còn trên một tờ báo, cũng có một nội dung bình luận rằng, thời đại cách mạng 4.0 nhưng dân ta vẫn thích đi chợ truyền thống. Chợ truyền thống ở đây được hiểu là chợ đen. Tuy nhiên, chắc hẳn không ai thích đi chợ đen nhưng khi mua vé online không được mà vẫn khao khát muốn vào sân, chợ đen hẳn là hành trình tiếp theo mà người hâm mộ buộc phải tìm đến.
Trên một số phương tiện truyền thông, một cặp vé giá gốc 600.000 đồng có thể được phe vé hét với con số không tưởng lên tới 18 triệu đồng. Khi đi buôn 1 vốn mười mấy lời như vậy, phe vé cũng buộc phải tìm mọi cách để săn được vé.
Thậm chí, trên một trang Facebook được lập ra để chia sẻ vé bóng đá, admin của trang này cũng phải cay đắng than thở trước vấn nạn dân buôn.
Có dân buôn còn đưa bảng giá theo sơ đồ chỗ ngồi của SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Tiền vé sẽ tương ứng với màu sắc khu vực nơi bạn muốn ngồi và giá cũng cao ngất ngưởng.
Thế nhưng, dù rất nhiều người sẵn sàng chịu chi vì tình yêu bóng đá quá lớn, nguy cơ quay vào ô mất lượt cũng rất cao vì những tấm vé giả.
Khi thì xếp hàng mua vé như thời bao cấp, khi thì canh vé online như chờ vợ đẻ… Những khái niệm so sánh kể trên đã phần nào cho thấy tình yêu cuồng nhiệt của người hâm mộ với đội tuyển. Giá như, cách thức bán vé cũng văn minh như tình yêu của người hâm mộ thì tốt biết mấy. Sau AFF Cup sẽ còn là những giải đấu khác, việc mua vé có trở thành "đặc sản" của VFF hay không, chỉ tương lai mới có thể trả lời.
Nhưng có lẽ, không ai mong muốn lại được nhìn thấy những đôi chân giẫm lên song sắt, những ánh mắt vô vọng, những gương mặt đầy chịu đựng, bởi tình yêu của người dân Việt Nam dành cho bóng đá không nhất cũng nhì thế giới và họ xứng đáng được phục vụ với tiêu chuẩn cao nhất!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!