Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần. Việc vứt bỏ túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng quá trình phân hủy của nó có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng Mặt trời.
"Ô nhiễm trắng" là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi nilon gây ra cho môi trường.
Khảo sát tại khu xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 4.500 tấn rác. Khi đào lên một đống rác được chôn lấp cách đây 20 năm, có thể thấy, sau một vài trận mưa, mùn hữu cơ đã trôi đi, nhưng những chiếc túi nilon vẫn còn nguyên vẹn.
Theo phân tích của ngành môi trường, trước đây tỷ lệ túi nilon trong rác khoảng dưới 5% nhưng đến nay, do thói quen tiêu dùng của con người, tỷ lệ túi nilon lẫn trong rác sinh hoạt lên trên 10%.
Năm 2017, Kenya đã chính thức coi việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia này đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và nộp phạt 38.000 USD, hơn 800 triệu đồng. Với động thái này, Kenya đã gia nhập nhóm các quốc gia có luật cấm dùng túi nhựa tại châu Phi, như: Tanzania, Uganda, Ethiopia, Malawi…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!