Biến đổi khí hậu, thiên tai và nhân tai diễn ra ngày càng khốc liệt

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 25/10/2017 16:16 GMT+7

VTV.vn - Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 245 người chết và mất tích, thiệt hại chỉ riêng về kinh tế đã hơn 26 ngàn tỷ đồng.

Hậu quả nặng nề của đợt lũ lụt vừa qua là một bài học nhãn tiền và cả xã hội đang phải gồng sức lên chịu đựng. Trận mưa lũ cách đây một tuần tại Thanh Hóa đã khiến gần 18.000 hộ dân bị ngập, 15 người không bao giờ trở lại, 5 người mất tích. Trong 10 năm trở lại đây, đây là trận mưa lũ lớn và bất thường nhất từng xảy ra tại địa phương này.

Lũ đi qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đã đến để chia sẻ khó khăn với nhân dân và chính quyền tỉnh Thanh Hóa. Người dân nơi đây, với bản chất cần cù bao năm qua sẽ lại bắt đầu kiến thiết lại mọi thứ. Thế nhưng có rất nhiều thứ mất đi sẽ không lấy lại được.

Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đang khiến người dân ở một trong những tỉnh thành khó khăn nhất cả nước, đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, những quy luật, kinh nghiệm đúc rút được từ trước đến nay đã không đủ để giúp chúng ta tồn tại. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 245 người chết và mất tích, thiệt hại chỉ riêng về kinh tế đã hơn 26 ngàn tỷ đồng.

Trong tháng 10/2017, sạt lở 20 ha đất đồi núi tại Lâm Đồng - điều chưa từng xảy ra. Bà Rịa - Vũng Tàu núi lớn sạt lở khủng khiếp trong mưa.

TP.HCM, các tỉnh miền Tây tháng nào cũng ngập với mốc kỷ lục so với các năm. Trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong vòng 10 năm qua tại miền Trung và miền Bắc, làm 73 người thiệt mạng, mất tích.

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Cần Thơ, nhiều phần diện tích ở nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bị sụt lún từ 10 - 20 mm/năm. Riêng khu vực thành thị và các khu công nghiệp, mức độ sụt lún lên tới 25 mm/năm.

Trong khi đó, nước biển vẫn đang dâng lên ở mức 3 - 4 mm/năm. Sạt lở sẽ trở nên dữ dội hơn và làm thay đổi hình hài của đồng bằng. Sụt lún có nguyên nhân quan trọng từ việc cạn kiệt nước ngầm còn sạt lở, mưa lũ chịu tác động trực tiếp từ việc phá rừng và khai thác cát trái phép.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2017, dù Thủ tướng đã ra lệnh đóng cửa rừng, cả nước vẫn xảy ra 1.700 vụ phá rừng trái pháp luật. Chỉ tính riêng tại Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, hơn 1.200 ha rừng đã biến mất.

Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta vẫn còn trên 30 tỉnh, thành phố tồn tại tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện có gần 400 điểm sạt lở ven sông và biển, mỗi năm mất hàng trăm ha đất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước